Khẩu hiệu “Người Việt dùng hàng Việt” đối với ngành thép vừa thiếu, lại vừa thừa. Bởi hiện nay, chúng ta đã cung cấp đủ thép lá, chỉ còn thiếu thép tấm. Nhưng việc cấp phép tràn lan của Chính phủ cho các công ty thép nước ngoài đã gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Miếng bánh nội địa đang bị chia cắt, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
Những năm vừa rồi, các doanh nghiệp bước vào cạnh tranh toàn cầu, càng ngày tự mình phải càng hoàn thiện, tập trung vào chất lượng, giá thành, nếu không sẽ bị đào thải ngay. Đó là quy luật. Giá thép hiện nay của Việt Nam ảnh hưởng từ thế giới, nhảy lên nhảy xuống như giá vàng, giá điện, giá dầu, USD...
Ngành thép thường xuyên cần một lượng vốn rất lớn cho việc duy trì sản xuất, những tháng cuối năm 2008 và đầu 2009, doanh nghiệp thép lao đao, vấn đề sống còn hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách tín dụng từ ngân hàng. Tồn tại qua khó khăn, vừa hồi sức thì lại đối mặt với cạnh tranh nước ngoài gay gắt ngay tại sân nhà.
Những siêu dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đổ vào ngành thép trong thời gian qua có nguy cơ xoá sổ các thương hiệu thép Việt Nam, khi các dự án này đi vào sản xuất (từ năm 2010 đến 2015). Đến năm 2015 lượng thép sản xuất tại Việt Nam sẽ vượt rất cao so với dự báo nhu cầu, khủng hoảng thừa sẽ diễn ra. Nhiều khi chúng ta “choáng” vì con số đầu tư nước ngoài vào ngành thép, nhưng thực sự số tiền đầu vào thường cao hơn rất nhiều so với máy móc thiết bị cụ thể, nên thuế lợi tức thu được đâu có cao như ta mong đợi.
Có tìm hiểu những khảo sát ở bên ngoài đất nước, mới thấy vốn đầu tư chênh lệch rất nhiều so với thực tế. Vậy Chính phủ có cơ quan nào để đánh giá về việc này không? Nhiều nghi vấn về những dự án FDI vào ngành thép chủ yếu là để xí đất, còn mục tiêu thật sự thì chưa biết thế nào. Ở Trung Quốc, đầu tư nước ngoài vào ngành thép không quá 30%, không cho đầu tư nếu không có công nghệ mới, công suất không cao, và không cho đầu tư liên hợp.
Thử hình dung 30 đến 50 năm nữa, ngành thép Việt Nam sẽ ở đâu trên bản đồ thế giới nếu Chính phủ không có chính sách nội địa đúng đắn cho ngành thép? Chính phủ nên có cái nhìn dài hạn để bảo đảm an ninh cho ngành thép – “lương thực” của công nghiệp nặng, nếu không, chúng ta chỉ còn là số không. Chúng ta cũng phải học Hàn Quốc, Trung Quốc, có như vậy mới hy vọng có được thương hiệu thép Việt Nam cạnh tranh với thị trường thế giới. Phải phát huy nội lực, chứ đừng chờ đợi ngoại lực mới phát triển bền vững.
Với các sản phẩm chủ lực, cũng cần phải có nghiên cứu khoa học, cái gì người Việt làm được, cái gì không thể? Trước kia chúng ta cứ nghĩ Việt Nam không thể làm được luyện thép, chỉ “ăn xổi ở thì” với chuyện cán thôi. Nhưng thực tế đã chứng minh hoàn toàn khác, chỉ cần có thời gian. Với công nghiệp nặng, thời gian quá ngắn buộc doanh nghiệp phải chứng minh ngay là làm được đủ thứ thì khó khăn lắm.
Xác định ngay từ đầu cho chiến lược phát triển thương hiệu của chúng tôi là cạnh tranh quốc tế, nhưng phải coi thị trường nội địa là cơ sở nền tảng. Chiến thắng trên sân nhà, mới có sức mạnh làm xuất khẩu, đó là con đường hiệu quả mà hầu hết các thương hiệu nổi tiếng thế giới đều chọn lựa. Cũng phải đi từng bước từ năm 1986 tới giờ, từ 500 ngàn tấn đến 1 triệu tấn, rồi 1.500 tấn, mới rèn tập được đội ngũ, nâng cao khả năng cạnh tranh. Tháng 9 năm 2009, nhà máy cán thép Pomina Phú Mỹ và một cảng biển có công suất bốc dỡ 3 triệu tấn/năm chính thức đi vào hoạt động, nâng tổng công suất toàn bộ hệ thống Pomina lên 1,5 triệu tấn luyện và 1,6 triệu tấn cán. Chuẩn bị hơn 10 năm, Pomina mới khởi công nhà máy luyện phôi thép thứ hai vào tháng 9 có công suất 1 triệu tấn luyện/năm.
Tôi tin khi dự án hoàn thành sẽ cung cấp đủ lượng phôi thép tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, chấm dứt việc nhập khẩu phôi thép từ nước ngoài, tiết kiệm ngoại tệ và góp phần tạo giá trị gia tăng trong việc sản xuất thép theo đúng chính sách của Chính phủ. Pomina hiện đã xuất sang Lào, Dubai, Campuchia, mỗi tháng 5 ngàn tấn.
Để xây dựng văn hoá tiêu dùng cho người Việt, phải kiên trì từng bước, và rất quyết liệt, bởi óc vọng ngoại đã ăn sâu bắt rễ vào người Việt, vì trong thời gian dài chúng ta đã không chú trọng vào việc này. Người Hàn Quốc phải mất mấy chục năm để xây dựng văn hoá tiêu dùng, chúng ta cũng phải có uỷ ban cấp Nhà nước để thực hiện việc này.
Giai đoạn này, lòng yêu nước chính là lòng tự trọng dân tộc. Chúng ta sống trong một đất nước mà điều kiện thiên nhiên quá thuận lợi, để cho dân nghèo là có tội. Đi thăm các nước, tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn lại nền công nghiệp Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có thể làm công nghiệp. Bằng chứng là trong những năm mở cửa vừa rồi chúng ta đã có thêm rất nhiều nhà công nghiệp. Các nhà công nghiệp rất chia sẻ với Chính phủ, vì đầu tư cho công nghiệp nhiều rủi ro, phải dài hơi và trường lực. Nhưng Chính phủ cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp, để tạo sức bật mới cho kinh tế Việt Nam.