Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh năm 2017 (Doing Business 2017) do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho thấy, Việt Nam xếp hạng 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá, với số điểm 63,83 trên thang 100.
Như vậy, so với một năm trước, Việt Nam đã thăng hạng tới 9 bậc (khảo sát cho năm 2016 của WB chỉ xếp Việt Nam đứng thứ 91 với điểm số 61,11/100).
Khảo sát của WB đánh giá các nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí gồm: Thành lập doanh nghiệp; xin cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản; vay vốn; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ; nộp thuế; giao thương quốc tế; thực thi hợp đồng; xử lý khi mất khả năng thanh toán.
Theo WB, năm nay Việt Nam cải thiện được ở một số tiêu chí như: Tiếp cận điện năng tăng 5 bậc lên thứ 96 trên bảng xếp hạng; tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng ấn tượng 31 bậc lên thứ 87; tiêu chí nộp thuế tăng 11 bậc lên thứ 167; tiêu chí giao thương quốc tế cũng tăng tới 15 bậc lên thứ 93.
Tuy vậy, bên cạnh đó Việt Nam vẫn có những tiêu chí quan trọng bị sụt giảm thứ hạng, như tiêu chí thành lập doanh nghiệp giảm tới 10 bậc xuống thứ 121 trên bảng xếp hạng; tiêu chí xin cấp phép xây dựng và vay vốn đều giảm 3 bậc.
Dẫn đầu bảng xếp hạng Doing Business 2017 năm nay là New Zealand, đứng thứ hai là Singapore (vốn đã có 10 năm giữ ngôi đầu bảng nhưng năm nay bị tụt hạng do thấp điểm hơn New Zealand), tiếp đó lần lượt là Đan Mạch, Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Như vậy, có tới 4 nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương lọt vào nhóm 10 nền kinh tế đứng đầu bảng xếp hạng Môi trường Kinh doanh tốt, đó là New Zealand ở vị trí dẫn đầu, Singapore đứng thứ 2, Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ 4 và Hàn Quốc đứng thứ 5.
Các nền kinh tế xếp hạng thấp nhất trong khu vực là Myanmar (thứ 170) và Đông Timor (thứ 175). Các nền kinh tế lớn trong khu vực có xếp hạng như sau (xếp theo quy mô nền kinh tế: Trung Quốc thứ 78, Nhật Bản thứ 34, Indonesia thứ 91, Malaysia thứ 23, Thái Lan thứ 46 và Philippines thứ 99).
WB cho biết các nền kinh tế trong khu vực thực hiện tốt nhất các tiêu chí Tiếp cận tín dụng (hạng trung bình là 77), Giải quyết thủ tục xây dựng (79) và Cấp điện (82). Ví dụ, thời gian trung bình một doanh nghiệp phải bỏ ra để xin được cấp điện tại các nước trong khu vực là 73 ngày trong khi mức trung bình toàn cầu là 93 ngày. Các lĩnh vực thực hiện dưới trung bình gồm: Thành lập doanh nghiệp (hạng trung bình là 106), Thương mại qua biên giới (103) và Thực thi hợp đồng (102).
Báo cáo Doing Business 2017 của WB phân tích: Cải cách trên các lĩnh vực trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chính là những bước đi giúp cải thiện hoạt động kinh doanh. Tuy đã tiến bộ hơn hẳn so với năm trước nhưng các nền kinh tế trong khu vực vẫn phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước hơn nữa.
WB cũng đánh giá: Thách thức vẫn tồn tại trong các lĩnh vực Thành lập doanh nghiệp, Thương mại qua biên giới và Thực thi hợp đồng. Ví dụ, để hoàn thành thủ tục xuất khẩu phải mất đến 57 giờ, đây là mức cao hơn hẳn so với mức trung bình 12 giờ tại các nước thu nhập cao trong khối OECD.
Nguồn tin: Giáo Dục Thời Đại