Các ĐBQH đề nghị, Bộ Công Thương cam kết và chịu trách nhiệm về các số liệu công bố trong quy hoạch thép Việt Nam định hướng đến 2035.
Chờ Luật quy hoạch được thông qua
Tiếp tục đưa ra ý kiến chia sẻ về dự thảo quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 2035 của Bộ Công Thương, trao đổi với Đất Việt, bà Mai Thị Ánh Tuyết (ĐBQH tỉnh An Giang) cho rằng cần phải xem xét thận trọng, không nên nóng vội.
Theo bà Tuyết, việc đưa ra các chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam trong tương lai là cần thiết. Tuy nhiên phải dựa trên cơ sở phải hiệu quả và nhu cầu sử dụng thép thực tế trong cả nước.
“Việc phát triển ngành thép, theo tôi phải trên tinh thần cạnh tranh. Hiện nay chúng ta đang bắt đầu hội nhập nên sẽ có nhiều hàng hóa từ các nước vào Việt Nam. Vì vậy các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi mẫu mã, chất lượng, giá thành thông qua công nghệ để cạnh tranh với các nước ngoài”, bà Tuyết nói.
Nữ ĐBQH tỉnh An Giang lưu ý, thép là một trong những ngành công nghiệp nặng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao. Đặc biệt Việt Nam đã có nhiều bài học kinh nghiệm từ dự án Formosa Hà Tĩnh xả thải, do đó tăng sản lưởng thép đồng nghĩa với việc các yêu cầu, đòi hỏi về công nghệ càng phải chặt chẽ hơn.
Các ĐBQH đề nghị, Bộ Công Thương cam kết và chịu trách nhiệm về các số liệu
công bố trong quy hoạch thép Việt Nam định hướng đến 2035.
“Thị trường biến động thường xuyên, cho nên chúng ta hoạch định 1 sản phẩm sẽ không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Quy hoạch quá dài trong thời gian 20 năm thì không thể bao quát hết được. Bộ Công Thương nên quy hoạch theo nhu cầu, khả năng đáp ứng của Việt Nam mình rồi cân đối lại cho phù hợp.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên có chính sách bảo hộ, nhất là với những sản phẩm như thép. Thép là ngành đặc thù, ảnh hưởng rất nhiều đến người dân nên làm dự án mới hay cải tạo cũ cần phải hết sức thận trọng”, bà Tuyết lưu ý.
Ngoài ra, bà Tuyết cũng nhấn mạnh đến việc Luật quy hoạch đang được Chính phủ trình Quốc hội, các ngành kinh tế, trong đó có ngành thép, nhà nước sẽ không quản lý bằng quy hoạch mà quản lý bằng các luật khác như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật tiêu chuẩn và chất lượng, Luật bảo vệ môi trường…
Vì vậy, theo bà Tuyết, Bộ Công Thương nên chờ đến thời điểm Luật được chính thức thông qua mới đưa ra các dự báo quy hoạch thép.
“Luật quy hoạch lần này Quốc hội đang xem xét sẽ quản lý ngành thép theo hướng tổng thể toàn quốc chứ không quy hoạch theo sản phẩm. Vì vậy nếu Bộ Công Thương có đưa ra quy hoạch thì sau này cũng sẽ không còn hiệu lực, buộc phải thay đổi. Do đó chúng ta nên đánh giá, cân nhắc lại. Nếu cần có thể chờ khi Luật quy hoạch được chính thức thông qua”, bà Tuyết nêu quan điểm.
Trong khi đó, theo nhận định của ĐBQH Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn, việc Bộ Công Thương đưa ra quy hoạch ngành thép thời gian tới là chuyện bình thường. Quản lý thì bắt buộc phải có quy hoạch. Tuy nhiên điều ông Sơn lo lắng ở đây, đó là việc phát triển ngành thép sẽ làm ảnh hưởng xấu đến môi trường.
“Quy hoạch đến năm 2035 nhưng sau này khi được thông qua quốc hội phê duyệt thì cần xây dựng lộ trình ngắn hạn, chẳng hạn 5 năm tới phát triển bao nhiêu? Phải lựa chọn thời điểm để tiến hành dự án và quy mô phát triển của dự án. Sau khi đạt được những vấn đề trên, cần xác định công nghệ, địa điểm, nguồn lực. Hàng loạt các nhiệm vụ được đặt ra.
Tuy nhiên câu chuyện tiên quyết đầu tiên phải làm theo tôi là nghiên cứu tác động đánh giá môi trường. Phải làm xong việc này thì mới tiếp tục tính tiếp. Bây giờ họ đang lập quy hoạch thì cũng không cần lo lắng quá”, ông Sơn khẳng định.
Có dám nhận trách nhiệm?
Đưa ra một cách nhìn hoàn toàn khác, bà Bùi Thị An, ĐBQH Hà Nội khóa 13 cho rằng, việc phát triển dự án thép Cà Ná hay quy hoạch chung toàn ngành thép đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 phải được gắn chặt với trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo bà An, ngành thép là lĩnh vực gắn liền với các rủi ro về môi trường vì vậy nếu những người đưa ra dự báo thiếu cơ sở thực tế thì hậu quả sau này phải gánh chịu sẽ rất nặng nề.
“Trước đây chúng ta quy hoạch đường không chuẩn, dẫn đến tình trạng dư thừa, không bán được. Điều đó dẫn đến tình trạng thất thoát lớn cho nền kinh tế. Hiện giờ chúng ta phát triển ngành thép cũng phải thật cẩn trọng. Rất có thể những nguy cơ tương tự có thể xảy ra.
Việc dự báo sai sẽ dẫn đến hậu quả kinh tế rất nan giải. Khi dư thừa thì từ nhà sản xuất, người lao động sản xuất thiệt hại, cán cân xuất nhập khẩu sẽ mất cân đối”, bà An nhấn mạnh.
Nữ ĐBQH Hà Nội khóa 13 đề nghị Bộ Công Thương làm rõ cơ sở của những dự báo chiến lược ngành thép đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 đồng thời cam kết những con số đưa ra là chính xác.
“Hiện nay nền kinh tế chúng ta đang mở nên bảo dự báo đúng 100% là điều không thể. Vì vậy, tôi cho rằng, chúng ta nên hướng tới một kết quả tương đối sẽ phù hợp hơn. Bộ Công Thương cần cam kết và chịu trách nhiệm về số liệu công bố. Bởi lẽ quy hoạch chúng ta đưa ra trong một thời gian dài. Có thể khi xảy ra sự cố, vấn đề xấu thì những người quy hoạch đã già cả hết rồi. Nếu có cam kết thì đương nhiên họ sẽ phải tính toán cẩn trọng hơn trong các tính toán đưa ra”, bà An nhấn mạnh.
Trước việc Bộ Công Thương đưa thép Cà Ná vào trong quy hoạch, bà An cho rằng cần phải có thêm thời gian để các chuyên gia, các nhà khoa học đưa ra phân tích cụ thể.
“Quy hoạch của chúng ta tầm nhìn đến năm 2035, vì thế không nên quá vội vàng. Chúng ta đưa vào chậm nhưng chắc chắn còn hơn là nhanh chóng. Tôi biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương là người cầu thị và biết lắng nghe. Vì vậy hãy nghe thêm người dân và các chuyên gia lần này”, bà An chia sẻ.
Trong khi đó, bà Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng, cần căn cứ vào nhu cầu thực tế của Việt Nam, cái gì cần thì phát triển, chứ không đầu tư ồ ạt. Đặc biệt là cần chú ý đến việc phát triển những công nghệ hiện đại để thay thế cho vật liệu thép trong lĩnh vực xây dựng.
“Tình hình sắp tới công nghệ sẽ phát triển. Chúng ta đưa ra dự báo đến năm 2035 thì cũng phải đưa ra các dự báo về công nghệ. Sau này vật liệu xây dựng như thép có khả năng thay thế bằng vật liệu gì? Tỉ lệ thép trong kết cấu công trình sẽ thay đổi ra sao? Thực tế khoa học công nghệ sẽ cải tiến theo hướng giảm khối lượng thép. Công trình có thể xây nhẹ hơn, thép sẽ chỉ sử dụng theo tỷ lệ nào đó. Do đó việc chú trọng nghiên cứu những sản phẩm thay thế là hết sức cần thiết”, bà Tuyết nhấn mạnh.
Nguồn tin: Đất việt