Tháng 8 ước tính đạt xuất siêu 400 triệu USD, kéo theo nhập siêu 8 tháng giảm xuống còn 2,1 tỷ USD (tương đương 1,6% kim ngạch xuất khẩu). Như vậy, Việt Nam đã trở lại xuất siêu sau 3 tháng liên tiếp nhập siêu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam ước tính trong tháng 8 là 36 tỷ USD.
Tính riêng xuất khẩu ước đạt 18,2 tỷ USD, tăng 3,0% so với tháng 7, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 4% còn khu vực đầu tư trong nước ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 0,6%.
Kim ngạch một số mặt hàng tăng so với tháng 7 như: Điện thoại các loại và linh kiện 10,7% (330 triệu USD); Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng 8,1% (87 triệu USD); sản phẩm từ sắt thép 11,9% (23 triệu USD).
Trong tháng 8, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng 7 và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài đạt 10,5 tỷ USD, tăng 2,4%, khu vực đầu tư trong nước ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 2%.
Kim ngạch một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng như: Điện thoại các loại và linh kiện 8,5% (101 triệu USD); Sắt thép 14,1% (90 triệu USD); Chất dẻo 13,7% (86 triệu USD).
Nếu tính chung 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 269 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 133,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Còn nhập khẩu 8 tháng ước tính 135,6 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tháng 8 ước tính đạt xuất siêu 400 triệu USD, kéo theo nhập siêu 8 tháng giảm xuống còn 2,1 tỷ USD (tương đương 1,6% kim ngạch xuất khẩu).
Trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 14,3 tỷ USD, khu vực đầu tư trong nước nhập siêu 16,4 tỷ USD. Nhập khẩu máy móc thiết bị có tăng trưởng chậm lại trong khi xuất khẩu một số mặt hàng có xu hướng tăng lên có thể nhập siêu sẽ giảm trong một vài tháng tiếp theo.
Nguồn tin: Bizlive