Trong khi một số đối tác không mặn mà góp vốn, thì cả Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin) và Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đều muốn chiếm cổ phần chi phối tại CTCP Thép Thạch Khê.
Ông Phùng Mạnh Đắc, Phó tổng giám đốc Vinacomin cho hay, Vinacomin đang nắm giữ 30% vốn điều lệ tại CTCP Thép Thạch Khê (TIC) và được Thủ tướng giao làm đầu tàu trong TIC. Tuy nhiên, dù 30% cổ phần là rất lớn, nhưng Vinacomin vẫn mong muốn tăng mức nắm giữ tại TIC lên 51%.
“Với mục tiêu để công việc được đẩy nhanh, Vinacomin đã trình lên các cơ quan chức năng Đề án tái cơ cấu cổ đông của TIC theo hướng phần nắm giữ của Vinacomin là 51%. Kèm theo đề xuất này là các phương án thực hiện cụ thể. Trước đó, HĐQT của TIC cũng đã đồng ý cho Vinacomin xây dựng và đề xuất các phương án tái cơ cấu”, ông Đắc nói.
Theo hướng này, việc tăng cổ phần lên 51% của Vinacomin tại TIC sẽ được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp; hoặc có thể theo hướng, đến ngày đóng tiền theo quy định, nếu cổ đông nào không nộp đủ tiền thì sẽ mất phần đóng góp tiếp theo (phần đóng góp này sẽ được chia cho các cổ đông sáng lập còn lại theo tỷ lệ góp vốn); hoặc sẽ được giải quyết theo hướng các doanh nghiệp nhà nước không liên quan đến lĩnh vực khai thác mỏ và làm sắt thép sẽ rời khỏi TIC; hoặc một nhóm cổ đông của TIC sẽ mua lại cổ phần của cổ đông khác muốn rút lui khỏi đại dự án này.
“Đây là một dự án phức tạp và khó khăn. Các nhà đầu tư có thể xây dựng được nhà máy tuyển, nhà máy luyện phôi dễ dàng, nhưng việc khai thác mỏ không đơn giản, bởi mỏ sắt Thạch Khê nằm sát biển và ở sâu dưới mực nước biển từ vài chục đến vài trăm mét”, ông Đắc nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đắc cho hay, Vinacomin cũng cân nhắc việc tiếp tục tham gia TIC nữa hay không, nếu không chiếm giữ 51% cổ phần tại TIC.
Tuy nhiên, không chỉ Vinacomin mong muốn chiếm 51% cổ phần tại TIC, Tập đoàn Hòa Phát (HPG), nhà đầu tư mới xuất hiện, dù chưa chính thức, với tư cách thay thế BIDV - một cổ đông sáng lập của TIC, cũng muốn được nắm cổ phần chi phối trong TIC.
Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc HPG cho phóng viên Báo Đầu tư biết, để thúc đẩy Dự án, tốt nhất là Chính phủ chỉ định cổ đông thực sự có năng lực để điều hành. Không dừng lại ở việc tham gia TIC thông qua việc mua lại cổ phần của BIDV và đang chính thức hóa việc mua bán này, HPG mới đây còn góp vốn với Tổng công ty Khoáng sản Hà Tĩnh (Mitraco - cũng là một cổ đông sáng lập có 28% cổ phần trong TIC) để thành lập Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Phát Mitraco.
Ông Dương cũng cho hay, nguyên liệu của nhà máy tuyển và chế biến quặng sắt này hoàn toàn trông chờ vào mỏ sắt Thạch Khê. Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Phát Mitraco đã có văn bản thỏa thuận với TIC về việc cung cấp nguyên liệu quặng sắt đến hết đời của mỏ.
Việc HPG có mặt trong 2 dự án liên quan đến mỏ sắt lớn nhất của Việt Nam tại Hà Tĩnh cũng cho thấy, nhà đầu tư tư nhân này đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động của mình trong ngành thép. “Mục tiêu của HPG tại Hà Tĩnh là thực hiện nhanh việc triển khai dự án sắt Thạch Khê và nhà máy 2 triệu tấn/năm của TIC”, ông Dương nói và nhấn mạnh rằng, để quản lý và khai thác có hiệu quả, bền vững mỏ sắt Thạch Khê, cần khai thác có kế hoạch, đúng trình tự, đúng quy phạm, chế biến sâu, tận dụng tài nguyên và sản phẩm khai thác được chỉ dùng cho ngành thép trong nước, không được xuất khẩu.
Nguồn: Baodautu.vn