Ngày 2/6, tại Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) sẽ tổ chức Lễ chào mừng sự kiện Sản xuất tấm thép đóng tàu khổ rộng đầu tiên tại Việt Nam. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy nội lực, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng khả năng cạnh tranh của ngành đóng tàu Việt Nam.
Thực hiện đề án phát triển Tập đoàn nghiệp tàu thuỷ Việt Nam giai đoạn 2005 – 2010 và định hướng đến năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1055/QĐ – TTg ngày 11/11/2004 và Quyết định 1106/QĐ – TTg ngày 18/10/2005; Nhằm chủ động nguồn cung cấp vật tư thiết yếu trong công nghiệp đóng tàu, trong những năm qua Vinashin đã và đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Theo đó, việc phát triển các nguyên vật liệu, sản phẩm phụ trợ cho công nghiệp đóng tàu đã phần nào giảm bớt áp lực cho Vinashin khi thị trường thế giới có nhiều biến động trong những năm 2008 - 2009. Trong quý I/2010, các tàu container 225 Teu và 250 Teu, 700 Teu, Tàu chở ô tô 4.900 xe, Tàu Ethylene 4.500m3, Tàu hút bùn chứa bụng 2.800 m3… đã được Vinashin bàn giao.
Lãnh đạo Vinashin cho biết, trong thời gian tới, Vinashin sẽ thi công tàu xuất khẩu theo các đơn hàng của các chủ tàu từ Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Israel, Italia, Nhật Bản… Các đơn hàng này bảo đảm Vinashin tiếp tục giữ vững vị trí về công nghiệp đóng tàu trên thị trường thế giới. Do đó, dù rất khó khăn về nguồn vốn, nhưng Tập đoàn Vinashin vẫn ưu tiên đầu tư thép đóng tàu; Vì nếu không sẽ mất ưu thế trong cạnh tranh do bị ép giá, bởi thép tấm đóng tàu hiện nay của Vinashin chủ yếu nhập của các nước là đối thủ trong công nghiệp đóng mới tàu biển như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Việc khánh thành Nhà máy cán thép nóng, thép tấm Cái Lân, Quảng Ninh và sự kiện sản xuất tấm thép đóng tàu khổ rộng đầu tiên tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng và là một trong những kế hoạch mang tính chiến lược bền vững của Tập đoàn Vinashin.
Nhà máy cán thép nóng, thép tấm Cái Lân do Vinashin đầu tư 100% vốn và tự thực hiện. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 15ha có tổng mức đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng với các thiết bị hiện đại như: Lò nung công suất 8 tấn/giờ, máy cán, máy nắn công nghệ tiên tiến bậc nhất hiện nay; sàn nguội, máy cắt chiều dài có thể cắt theo yêu cầu của khách hàng cùng với hệ thống các trục bảo dưỡng, trục căn, tỳ... với toàn bộ dây chuyền, thiết bị được nhập khẩu từ Trung Quốc, trên cơ sở tư vấn công nghệ Cộng hoà Liên bang Đức.
Nhà máy đi vào hoạt động ổn định sẽ có công suất 1 triệu tấn thành phẩm/năm và có năng lực sản xuất các tấm thép có độ dày từ 5-50mm, rộng từ 1,6-3m, dài từ 6-18m, có thể đóng được tàu trọng tải đến 300.000 tấn, dạng tàu lớn nhất thế giới. Một tấm thép loại này, bằng 6 tấm thép hiện Vinashin vẫn nhập, sẽ giảm được số lượng các đường hàn. Các sản phẩm của nhà máy đều đạt tiêu chuẩn theo các đăng kiểm trong nước và quốc tế dành cho ngành đóng tàu như: DNV (Na Uy), Lloy’ds (Đức), NK (Nhật Bản), ABS (Mỹ), BV (Pháp) và VR (Việt Nam). Nhà máy cán thép nóng, thép tấm Cái Lân là nhà máy thép tấm lớn nhất Đông Á.
Thép tấm hiện chiếm khoảng 20-25% giá thành con tàu, nếu tính tổng thể các chi tiết máy, thép chiếm đến 90% con tàu. Theo tính toán so với giá thép nhập hiện nay, sản phẩm thép đóng tàu của Vinashin sẽ rẻ hơn khoảng 100-150 USD/tấn. Trong 1 năm như hiện nay, Vinashin sử dụng khoảng 1 triệu tấn thép đóng tàu, theo đó, không những tiết kiệm được sẽ là 100 triệu USD mà còn rút ngắn và chủ động trong tiến độ thi công, đóng mới tàu (do thép đóng tàu nhập khẩu không những cao về giá thành mà còn gặp nhiều khó khăn từ khâu vận chuyển).
Dự kiến, từ năm 2011, tổng sản lượng sản xuất thép các loại của Vinashin sẽ đạt khoảng 4 triệu tấn/năm, đáp ứng toàn bộ nhu cầu của Vinashin, từ thép vỏ tàu, thép xương tàu, đến chi tiết chế tạo.
Với mục tiêu phấn đấu đến 2015 tỷ lệ nội địa hóa đạt xấp xỉ 60% giá trị con tàu, bên cạnh việc đã sản xuất và lắp ráp được động cơ tàu thủy, trang thiết bị lắp đặt trên tàu, nội thất tàu thủy, sản xuất thiết bị nâng hạ, vật liệu hàn, cần cẩu, máy hàn, máy lốc tôn, dây chuyền phun sơn tổng đoạn, sản xuất Container... việc sản thép tấm đóng tàu của Vinashin là bước đi đúng đắn để xây dựng một ngành công nghiệp tàu thuỷ nước nhà lớn mạnh bền vững và hội nhập nhanh với thế giới.
Hơn nữa, với nhu cầu phát triển kinh tế biển, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên biển của nước ta; với chủ trương phát triển kinh tế biển của Đảng và định hướng của Chính phủ, cùng với sự phối hợp của các ngành, các cấp, ngành đóng tàu Việt Nam đang chung lưng gánh vác, chung tay xây dựng và phát triển kinh tế biển Việt Nam ngày càng vững mạnh để đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển hùng mạnh trong tương lai không xa.
(HNMO)