Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

VLXD: Hàng trong nước mất thị phần

Sau thép, kính xây dựng, xi măng, đến lượt các doanh nghiệp tôn thép trong nước phải kêu trời vì nạn hàng gian, hàng lậu tràn lan. Cùng một công thức nhập khẩu với giá rẻ, chất lượng thấp, sau đó tung ra bán tràn lan trong nước, các mặt hàng vật liệu xây dựng (VLXD) kém chất lượng từ nước ngoài đang lũng đoạn thị trường trong nước.

Cuộc chiến không cân sức

Tôn thép có thể coi là nạn nhân mới nhất của gian lận thương mại trong lĩnh vực VLXD. Hàng giả, hàng nhái tràn lan đang khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành này không thể ngồi yên. Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy thị phần tôn mạ thương hiệu Việt chỉ chiếm khoảng 75%, 25% còn lại là của nước ngoài hoặc liên doanh, chưa tính lượng tôn nhập từ Trung Quốc qua đường chính ngạch hoặc tiểu ngạch đang âm thầm đi vào mọi ngóc ngách thị trường.

Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen, mỗi mét tôn giả, người tiêu dùng bị thiệt hại khoảng 4.000-6.000 đồng. Với ước tính lượng tôn thép giả đang chiếm 20% thị phần, tương đương khoảng 346.000 tấn, số tiền người tiêu dùng bị móc túi lên đến gần 400 tỷ đồng.

 

Trong xu thế ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, biện pháp có thể ngăn cản hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh là thuế quan hay các rào cản thương mại. Các công cụ này cần được sử dụng lúc cần thiết. Đặc biệt nó sẽ phát huy hiệu quả khi chúng ta biết cách sử dụng nó đúng lúc, bảo vệ ngành sản xuất nội địa một cách chính đáng.

 Đinh Thị Mỹ Loan, 
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại quốc tế VCCI

 

Tình cảnh ngặt nghèo đến mức VSA và Hiệp hội Chống hàng giả - Bảo vệ thương hiệu Việt Nam đã phải ra cảnh báo về nạn gian lận thương mại phổ biến trong thị trường tôn, cũng như hướng dẫn người tiêu dùng cách tránh tôn giả. Trong các hình thức gian lận được cảnh báo, có hình thức gian lận về mặt nguồn gốc, nghĩa là nhập tôn thép không rõ nguồn gốc với giá cực kỳ rẻ sau đó bán ra thị trường, hoặc nhại lại các thương hiệu nổi tiếng trong nước để bán.

Trong bối cảnh rất khó để phân biệt tôn giả - thật, người tiêu dùng ham rẻ dễ dàng mắc bẫy, trong khi doanh nghiệp thiệt hại không nhỏ. Theo tính toán, thị phần của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh tôn đã bị mất 11% trong năm 2014.

Trước tôn, thép xây dựng cũng đã một thời gian dài lao đao vì thép giá rẻ được nhập khẩu ào ạt từ Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt. Thép xây dựng vẫn có thuế cao 5-10%, nhưng doanh nghiệp nhập khẩu trốn tránh bằng cách khai thép nhập khẩu là hợp kim để có mức thuế 0%, trong đó chủ yếu là thép Trung Quốc chứa vi lượng Bo.

Theo VSA, lượng nhập khẩu thép hợp kim chứa Bo đã vượt quá gấp nhiều lần nhu cầu thật của ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2014, lượng thép cuộn chứa Bo từ Trung Quốc có sự gia tăng đột biến, ước cả năm 2014 có thể đạt tới 550.000-600.000 tấn. Trong khi đó, công suất thiết kế thép xây dựng trong nước đã lên tới gần 12 triệu tấn, nhưng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 5 triệu tấn trên lý thuyết, mức dư thừa hơn 50%.

Câu chuyện của tôn, thép chỉ là thêm những thí dụ trong vô vàn danh mục VLXD đang bị thua trắng trên sân nhà. Trước đó, kính xây dựng, gạch lát, các thiết bị vệ sinh dùng trong xây dựng cũng có những thời điểm không thể đứng vững trước các mặt hàng giá rẻ, đặc biệt các mặt hàng đến từ Trung Quốc.

Đơn cử như gạch ốp lát, cách đây vài năm, cùng một loại gạch có kích cỡ 60x60, các thương hiệu gạch nội giá trên dưới 240.000 đồng/m2 so với gạch Trung Quốc có giá bán chưa đến 210.000 đồng/m2. Hay các loại thiết bị vệ sinh như bồn tắm, vòi nước, chậu rửa, cửa nhựa... xuất xứ từ Trung Quốc cũng xuất hiện trên thị trường với giá chỉ bằng 60-70% so với hàng sản xuất trong nước khiến doanh nghiệp nội không có cơ hội để cạnh tranh.

Đề kháng cao nhất có thể kể đến xi măng, tuy nhiên, cũng có thời điểm mối lo từ xi măng giá rẻ nhập ngoại lũng đoạn thị trường trong nước đã hiện hữu. Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp, trong xây dựng và sửa chữa nhà cửa, VLXD thường chiếm 50-70% chi phí, vì vậy nhiều chủ đầu tư hoặc người xây nhà sẽ có xu hướng chọn VLXD giá rẻ nhằm tiết kiệm, hệ quả công trình sẽ nhanh chóng xuống cấp.

Nhập khẩu tràn lan, thiếu quy chuẩn

Theo TS. Trần Văn Huynh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam, điều nghịch lý trên thị trường VLXD nhiều năm qua là kể cả những mặt hàng trong nước hoàn toàn có thể tự chủ chúng ta vẫn tiếp tục nhập khẩu. Thí dụ, thép xây dựng trong nước sản xuất được và đang dư thừa, nhưng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 9-2014, kim ngạch nhập khẩu thép các loại của doanh nghiệp trong nước đạt giá trị hơn 5,05 tỷ USD, tăng 316 triệu USD (tương đương 6,7%) so với cuối năm 2013.

Điều này là vô lý, bởi lẽ số lượng thép nhập khẩu tăng đồng nghĩa với thị phần của doanh nghiệp trong nước giảm xuống. Thép dây ở Việt Nam cơ cấu 20-25% nhưng hiện tại thị phần đã xuống dưới 20%, nhiều nhà máy sản xuất sắt, thép khu vực phía Bắc phải đóng cửa, một số nhà đầu tư lớn cũng xin rút vốn trước áp lực dư cung ở trong nước.

 

Trong khi thép xuất khẩu Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá ở nước ngoài, thép trong nước lại bị hàng nhập khẩu giá rẻ cạnh tranh. Thí dụ, thép xây dựng nhập khẩu từ Trung Quốc giá rẻ do gian lận thương mại để được hưởng thuế nhập khẩu 0%.

Ông Đỗ Duy Thái, 
Tổng giám đốc Công ty Thép Việt (Pomina)

Tình thế cho các doanh nghiệp VLXD càng trở nên khó khăn hơn khi sắp tới những hiệp định thương mại tự do đi vào thực thi, mà nhiều doanh nghiệp trong ngành VLXD đã thẳng thắn cho rằng việc cạnh tranh với những đại gia như Nga hay Trung Quốc là điều không thể. Khi hàng rào thuế quan không thể dựng lên để bảo vệ ngành VLXD trong nước, nhiều doanh nghiệp đã kỳ vọng vào những yếu tố bảo hộ mang tính kỹ thuật, để ít nhất có thể tạo dựng được sự cạnh tranh công bằng cho mình.

 

Xây dựng những hàng rào kỹ thuật được thể hiện bằng những bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là vấn đề đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi thị trường VLXD rơi vào tình cảnh bế tắc và bị o ép từ bên ngoài, biện pháp này mới được đặt ra như một vấn đề cấp thiết.

Theo ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, các nước Đông Nam Á đã rất thành công trong việc bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại… và đó là điều chúng ta cần học tập. Sản phẩm của một số nước có công nghiệp thép mạnh khi đi tới các nước đều bị ngăn chặn bởi hàng rào sau thuế quan rất hiệu quả. Đặc biệt, đối với thép của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, cơ quan quản lý cần có biện pháp kiểm tra gắt gao hơn về chất lượng để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.

 Chất lượng, giá thành - vũ khí cạnh tranh

Cũng ủng hộ một hàng rào kỹ thuật để sàng lọc hàng hóa trước khi nhập khẩu, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), cho rằng việc hội nhập sâu với thị trường khu vực cũng như quốc tế khiến Nhà nước không thể dùng hàng rào thuế quan để ngăn chặn được xuất nhập khẩu hàng hóa và sắp tới, các hiệp định thương mại tự do còn có thể đẩy doanh nghiệp VLXD vào tình thế khó khăn hơn.

“Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể áp dụng được hàng rào kỹ thuật. Đây là biện pháp mà nhiều nước trên thế giới kể cả Hoa Kỳ và châu Âu đều đã làm” - ông Tới nói.

Trên thực tế, một số mặt hàng VLXD như kính, gạch ốp lát, xi măng… cũng đã có những bộ quy chuẩn sau khi thị trường bị lũng đoạn bởi các loại VLXD nhập ngoại giá rẻ, chất lượng thấp. Mới đây. Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư 44 quy định nhà nhập khẩu thép trong nước phải công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm thép trong hợp đồng nhập khẩu. Căn cứ trên các tiêu chuẩn được công bố, các lô hàng sẽ được thực hiện đánh giá phù hợp tiêu chuẩn trước khi nhập khẩu.

Thép sản xuất trong nước cũng phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn được quy định. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh VLXD, những hàng rào này còn quá ít ỏi và không phải mặt hàng nào cũng đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, điều này khiến doanh nghiệp rất dễ lách.

Thí dụ, kính xây dựng, tuy nước ta áp thuế với kính nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 30% nhưng trên thực tế, kính nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn có thể lách quy định về quản lý chất lượng hàng hóa kính xây dựng tại Thông tư 11 của Bộ Xây dựng, bằng cách chuyển thành kính an toàn đã qua xử lý và nghiễm nhiên trở thành kính thành phẩm, tức mức thuế suất kính nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu chỉ 5-10%.

 

Cung thép trong nước dư thừa nhưng kim ngạch nhập khẩu thép vẫn tăng. 
Ảnh: LONG THANH

 

Thừa nhận thực tế này, ông Lê Văn Tới cho rằng sau khi ban hành hàng rào kỹ thuật, doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ một phần khó khăn nhưng hàng rào kỹ thuật không thể dùng để ngăn chặn lâu dài hoặc có tính căn cơ được. Bởi tiêu chuẩn quy chuẩn mục đích lâu dài là để nâng cao chất lượng sản phẩm, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, đồng thời góp phần hạn chế sản phẩm cùng chủng loại được nhập khẩu vào Việt Nam. Nhưng chỉ nên coi là tác dụng đi kèm, không nên coi đó là giải pháp mang tính lâu dài.

“Cái chính vẫn là chất lượng và sau đó là giá thành, đó mới là cạnh tranh một cách sòng phẳng và công bằng” - ông Tới nhận định.

Những hàng rào kỹ thuật VLXD là cần thiết để đảm bảo sự công bằng, và các cơ quan chức năng cần có những quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, tránh tình trạng thả nổi thị trường VLXD. Điều quan trọng, bản thân doanh nghiệp trong nước cũng phải có giải pháp ứng phó những định hướng rõ ràng.

Bởi khi đã hội nhập hoàn toàn, đối mặt với những nền công nghiệp VLXD chất lượng, kỹ thuật cao trên thế giới. Hàng rào kỹ thuật không thể là bức tường kiên cố để có thể chống đỡ cho sản xuất kinh doanh trong nước.

Nguồn tin: Đầu tư tài chính

ĐỌC THÊM