(BĐT) - 2016 là một năm đầy biến động đối với ngành thép thế giới. Trung Quốc, quốc gia chiếm đến một nửa sản lượng thép toàn thế giới, liên tục xuất khẩu thép sang các nước do tình trạng dư thừa sản lượng tại nước này. Ngay lập tức bị “dội” một khối lượng hàng hóa lớn quá mức mong đợi, ngành thép nhiều quốc gia trở nên điêu đứng. Tại Việt Nam, doanh nghiệp thép đang bị phân hóa sâu sắc trước những diễn biến của thị trường thế giới.
Nhiều tin vui
Tại Việt Nam, từ 22/3/2015 Bộ Công Thương chính thức áp dụng thuế tự vệ tạm thời trong thời gian 200 ngày đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu. Trước quyết định này, giá thép trong nước nhanh chóng tăng vọt. Hiện tượng đầu cơ thép bắt đầu xuất hiện. Rõ ràng, ảnh hưởng của chính sách thuế chỉ trong ngắn hạn, nhưng cổ phiếu ngành thép đã nhanh chóng đua nhau tăng điểm, bất kể tình hình thực tế ngành thép trong nước như thế nào.
Trên thực tế, ngay cả khi không bị đe dọa bởi thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc thì ngành thép Việt Nam cũng đã phải đối mặt với thách thức dư thừa sản phẩm. Theo số liệu thống kê năm 2015, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước chỉ chiếm khoảng 67% tổng lượng sản xuất ra. Lẽ dĩ nhiên, ưu thế sẽ thuộc về các doanh nghiệp quy mô lớn, có chu trình sản xuất khép kín nên có điều kiện tiết giảm chi phí. Rất tiếc, ở Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp như vậy.
Tháng 4/2016, ngành thép Việt Nam lại tiếp tục đón tin vui khi giá quặng sắt, thép thế giới bắt đầu tăng nhờ thị trường bất động sản Trung Quốc ấm lên. Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá phôi thép tại thị trường Asean đã tăng từ mức 260 USD/tấn đầu năm lên mức 420 - 430 USD/tấn trong tháng 4 vừa qua.
Trong 3 tháng gần đây, hầu hết cổ phiếu của các doanh nghiệp thép lớn đều đạt mức tăng trưởng khá. Cổ phiếu HPG của Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát tăng 23,4% trong 3 tháng, từ mức 27.200 đồng/CP lên mức 33.200 đồng/CP. Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen tăng 75,5%; cổ phiếu POM của Pomina tăng 37,9%; VIS của Thép Việt Ý tăng 72,9%...
Tỷ lệ tăng trưởng nói trên không chỉ thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư về những viễn cảnh sáng sủa của thị trường thép, mà còn ở kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực của doanh nghiệp.
Nghịch lý ông lớn VnSteel
Dù doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng (4.399 tỷ đồng quý I/2016) nhưng VnSteel lại là một trong những doanh nghiệp thép có lãi mỏng nhất thị trường
Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel - mã chứng khoán TVN) là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần tiêu thụ thép xây dựng. Với quy mô sản xuất 445.530 tấn thép xây dựng, tiêu thụ 498.220 tấn trong riêng quý I vừa qua, VnSteel chiếm 24,65% thị phần thép xây dựng và có khoảng cách khá an toàn với doanh nghiệp đứng thứ 2 là Hòa Phát (19,54% thị phần).
“Tổng thép” có vốn điều lệ lên tới 6.780 tỷ đồng, tổng tài sản cuối quý I đạt 13.920 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô có được của doanh nghiệp này đến từ rất nhiều công ty con nằm rải rác khắp cả nước, năng lực sản xuất hạn chế, công nghệ lạc hậu.
Chính vì vậy, dù doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng (4.399 tỷ đồng quý I/2016) nhưng VnSteel lại là một trong những doanh nghiệp thép có lãi mỏng nhất thị trường, chỉ đạt 11,8 tỷ đồng sau thuế.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện VnSteel cho biết, kết quả kinh doanh khiêm tốn của Tổng công ty chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những công ty con, công ty liên doanh, liên kết thua lỗ. Đơn cử Công ty TNHH Khoáng sản Luyện kim Việt Trung, nơi VnSteel nắm giữ 46,86% cổ phần, đã thua lỗ trên 200 tỷ đồng chỉ trong quý I/2015. Năm 2015, công ty liên kết này thua lỗ trên 600 tỷ đồng… Đây là công ty liên kết có quy mô lớn nhất của VnSteel, với vốn điều lệ 101 triệu USD.
Kết quả kinh doanh quý I của VnSteel tuy thấp, nhưng đã phản ánh sự nỗ lực của Tổng công ty sau cổ phần hóa và chính thức giao dịch cổ phiếu trên thị trường. Quý I năm ngoái, tổng công ty này lỗ tới 99 tỷ đồng. VnSteel bắt đầu đăng ký giao dịch trên thị trường UpCOM từ 18/1/2016. Từ mức giá 12.500 đồng/CP chào sàn, hiện cổ phiếu TVN của Tổng công ty đang giao dịch xung quanh mức giá 7.600 đồng/CP.
Rõ ràng, tín hiệu tích cực là một chuyện, doanh nghiệp kinh doanh như thế nào và đạt hiệu quả ra sao lại là chuyện khác. Cổ phiếu ngành thép phân hóa cơ bản dựa trên những tín hiệu từ doanh nghiệp hơn là những thông tin hỗ trợ mang tính ngắn hạn.
Nguồn: Báo Đầu Tư