Nguyễn Quốc Đạt, 42 tuổi và vợ là Nguyễn Thị Hồng Nhung, 40 tuổi (trú tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) sau khi thành lập công ty tư nhân đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối để “qua mặt” đối tác và ngân hàng, từ đó chiếm đoạt gần trăm tỷ đồng. Sau nhiều ngày nghị án kéo dài, sáng 1-8, TAND TP Hà Nội đã kết thúc phiên toà xét xử vụ án này.
Kết quả điều tra xác định, năm 2003, Đạt thành lập Công ty TNHH Hồng Trang (viết tắt là Công ty Hồng Trang) và đứng danh làm Giám đốc, Nhung giữ vai trò Kế toán trưởng Công ty. Gần 5 năm sau, Nhung thành lập thêm Công ty TNHH Lưỡng Thổ, đứng danh làm Giám đốc và kinh doanh các mặt hàng thép là chủ yếu.
Việc thành lập các pháp nhân nêu trên, thực chất chỉ là để vợ chồng Đạt-Nhung ký các hợp đồng mua bán thép giữa hai doanh nghiệp và luân chuyển tiền qua lại với doanh số “ảo” nhằm tạo ra dòng tiền lớn qua tài khoản Chi nhánh Tây Hà Nội một ngân hàng lớn.
Lợi dụng hợp đồng mua bán thép với Công ty Gang thép Thái Nguyên-Chi nhánh Hà Nội, Đạt và Nhung thông qua thư bảo lãnh và hợp đồng tín dụng với hai ngân hàng đã mua rồi nhận đủ 32.984 tấn thép.
Vợ chồng bị cáo Đạt - Nhung (hàng trên) cùng đồng phạm.
Toàn bộ số thép này, Đạt và Nhung lập tức bán hết để thu tiền về nhưng không hề thanh toán tiền mua bán hàng hóa cho đối tác là Công ty Gang thép Thái Nguyên, qua đó đã chiếm đoạt tổng số tiền 99,67 tỷ đồng của các bị hại. Trong đó, 69,67 tỷ đồng là tiền bảo lãnh thanh toán của các ngân hàng và 30 tỷ đồng là tiền mua bán hàng hóa với Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Cơ quan điều tra xác định, nguyên nhân để xảy ra vụ án này là trách nhiệm của nhiều cán bộ, nhân viên Công ty Gang thép Thái Nguyên-Chi nhánh Hà Nội. Trong đó, Trần Văn Song (58 tuổi) với tư cách là Tổ trưởng tổ bán hàng đã làm giả các tài liệu xin cấp hàng từ Công ty Gang thép Thái Nguyên bằng phương thức lập khống các số liệu trên cơ sở các bản fax cũ xoay quanh việc mua bán hàng.
Với tư cách là Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp và Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Nguyễn Việt (43 tuổi) cùng Dương Bá Hòa (56 tuổi) không thẩm tra, xem các tài liệu do Song cung cấp nhưng vẫn ký kết các hợp đồng mua bán sắt thép đối với hai công ty của vợ chồng Đạt-Nhung.
Hậu quả là Công ty Giang thép Thái Nguyên-Chi nhánh Hà Nội đã bán hàng hóa vượt quá giá trị bảo lãnh của ngân hàng, gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn. Với hành vi phạm tội đã gây ra như trên, vợ chồng Đạt-Nhung bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140-BLHS).
Trong số ba cán bộ của Công ty Gang thép Thái Nguyên tiếp tay cho vợ chồng Đạt-Nhung thực hiện tội phạm, Song bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165- BLHS); Việt và Hoà bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285-BLHS).
HĐXX quyết định chuyển đổi tội danh cho hai bị cáo Đạt và Nhung từ tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sang tội sử dụng trái phép tài sản, qua đó xử phạt bị cáo Đạt 4 năm 6 tháng tù; bị cáo Nhung 4 năm 1 tháng 7 ngày tù.
Đối với ba cán bộ của Công ty Gang thép Thái Nguyên: bị cáo Song bị xử 42 tháng tù; bị cáo Việt và bị cáo Hoà cùng 30 tháng tù (án treo) theo đúng tội danh truy tố. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc vợ chồng bị cáo Đạt-Nhung có trách nhiệm bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại. Về khoản nợ phát sinh từ chứng thư bảo lãnh mà ngân hàng yêu cầu hai bị cáo Đạt-Nhung thực hiện, HĐXX phán quyết “ngân hàng có thể khởi kiện theo thủ tục dân sự”.
Nguồn tin: Xây dựng