Những năm gần đây, ngoài việc nhập khẩu thép phế, phôi thép là nguyên liệu bắt buộc cho sản xuất thì tình trạng nhập khẩu nhiều sản phẩm trong nước đã sản xuất được và đang dư thừa gây nhiều thiệt hại cho ngành thép nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Chính vì vậy, ngành thép trở thành ngành kinh tế tiêu tốn lượng ngoại tệ lớn, tỷ lệ nhập khẩu cao. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã đề xuất nhiều giải pháp cho vấn đề này.
Ngành tiêu nhiều ngoại tệ, tỷ lệ nhập khẩu cao
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường cho biết, với nhu cầu thép đa dạng để phục vụ phát triển với tốc độ khá cao, trong khi sản xuất thép trong nước mới đang ở giai đoạn đầu, chủ yếu là sản xuất thép xây dựng và mới chỉ tập trung cho các công đoạn sản xuất ở hạ nguồn.
Vì vậy, số lượng nguyên liệu và sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam những năm gần đây tăng lên rất mạnh, ngành thép trở thành ngành kinh tế tiêu tốn lượng ngoại tệ lớn, tỷ lệ nhập khẩu cao.
Sau sự tăng đột biến về xuất khẩu vào năm 2008 khi lượng thép xuất khẩu đạt hơn 1,7 triệu tấn với kim ngạch trên 1,7 tỷ USD (chủ yếu là tái xuất nguyên liệu phôi thép và thép cán nóng) thì xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2009 đã giảm sút đáng kể cả về kim ngạch và số lượng.
Tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam năm 2009 chỉ đạt trên 571.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu trên 444 triệu USD.
Trong khi đó, năm 2009, Việt Nam đã nhập khẩu gần 6 triệu tấn thép các loại, trong đó có thép cán nguội, thép cuộn là những sản phẩm trong nước tự sản xuất được và đã dư thừa.
Ba tháng đầu năm 2010, đã có 57.000 tấn thép cuộn và 68.000 tấn thép mạ các loại được nhập về trong tổng số 1,7 triệu tấn thép thành phẩm nhập vào Việt Nam.
Tính toán của VSA cho thấy, nếu hạn chế nhập khẩu hai loại thép này trong thời gian tới sẽ tiết kiệm được khoảng 700 triệu USD, góp phần giảm nhập siêu cũng như giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.
Theo thống kê của VSA thì năng lực sản xuất của các sản phẩm trên đều vượt xa nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, do mới ở giai đoạn đầu của dự án nên các nhà máy trong nước bị hạn chế bởi công suất máy và bị cạnh tranh gay gắt với sản phẩm thép nhập khẩu.
Sản lượng phôi thép năm 2009 chỉ đạt khoảng 50% công suất, sản lượng thép xây dựng chỉ đạt khoảng 67%. Điều này đã tạo sức ép rất lớn lên các doanh nghiệp khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất của nhà máy.
Do vậy, rất cần thiết có những biện pháp hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất qua đó tăng sản lượng, giảm giá thành, đảm bảo đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước, đồng thời có thể cạnh tranh được với các sản phẩm trong khu vực và quốc tế.
Để tạo điều kiện cho sự phát triển của công nghiệp thép trong nước, giảm nhập khẩu trong ngành thép, VSA cho rằng cần tiến hành thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thép trong nước đã có công suất dư thừa, tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng nhiều biện pháp kinh tế, kỹ thuật để hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tăng khả năng xuất khẩu sản phẩm.
Hạn chế nhập khẩu những sản phẩm đã sản xuất được
Theo Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường, các doanh nghiệp cần tăng cường sử dụng nguyên liệu nội địa thay thế nguyên liệu nhập khẩu như phôi thép, thép phế, gang... để giảm phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, đồng thời giảm bớt chi phí, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc nhập khẩu thép phế liệu để sản xuất phôi trong nước bởi sản lượng phôi hiện tại mới chỉ bằng 50% công suất do đó việc tăng nhập khẩu thép phế liệu sẽ đẩy mạnh sản xuất phôi trong nước, qua đó giúp ngành thép dần tự chủ được nguyên liệu chính cho sản xuất, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước.
Đặc biệt, Bộ Công thương cũng cần hạn chế tối đa việc nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được đủ cung ứng cho nhu cầu như thép xây dựng, tôn mạ, thép cán nguội, ống thép hàn...
Mặt khác, Nhà nước cho phép sử dụng nhiều loại ngoại tệ thay thế đồng USD trong thanh toán nhập khẩu, khi đồng USD có biến động mạnh, doanh nghiệp sẽ linh hoạt và chủ động hơn trong việc thanh toán cho nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất.
(Vietnam+)