Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có văn bản nêu ý kiến phản ứng của doanh nghiệp thép với bản dự thảo đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến của doanh nghiệp về quy định dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng, trong đó có thép xây dựng và phôi thép. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều nay (30-5), ông Đinh Huy Tam, Tổng thư ký VSA cho biết, theo dự thảo được Bộ Công Thương lấy ý kiến các doanh nghiệp gần 2 tháng nay, mức dự trữ lưu thông bắt buộc đối với thép xây dựng tối đa là 10%, đối với phôi là 3-5%. “Tôi nghĩ bản dự thảo này không nên ban hành vì rất vô lý. Thường chúng ta chỉ dự trữ khi thiếu, chứ không ai bắt doanh nghiệp dự trữ hàng trong lúc dư thừa công suất. Hiện nay mỗi tháng, lượng phôi thép và thép xây dựng tồn kho cho tháng sau khoảng 300.000-500.000 tấn thì không cần thiết bắt buộc doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông”, ông Tam nói. Ngoài ra, ông Tam còn cho biết bản dự thảo quy định của Bộ Công Thương đề cập giá bán lẻ hàng dự trữ thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10% cũng không hợp lý. Bởi giá thép từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng còn phải qua các đại lý trung gian. Nếu chỉ khống chế giá bán từ nhà sản xuất thì có thể người được hưởng lợi lại là các đại lý trung gian. "Chúng ta đang đi theo cơ chế thị trường thì nên để cung-cầu quyết định, chứ dùng biện pháp hành chính để can thiệp, tôi nghĩ sẽ không mang lại kết quả", ông Tam nhấn mạnh. Theo Bộ Công Thương, phôi thép là nguyên liệu đầu vào chiếm 80% giá thành sản phẩm thép. Trong khi phôi thép sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu nên giá thép trong nước thường chịu biến động bởi giá phôi. Do vậy, để bình ổn thị trường, việc quy định dự trữ bắt buộc đối với phôi thép để sản xuất thép xây dựng là cần thiết. Đối với thép xây dựng, bộ cho rằng việc dự trữ sẽ giúp ổn định sự biến động của giá cả trên thị trường, giúp kìm chế lạm phát.
Nguồn tin: TBKTSG Online