Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

VSA: Thép hợp kim nhập từ Trung Quốc "né" thuế

Cho rằng thép được sản xuất có chứa chất Boron (Bo) nhằm né thuế từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều gây thất thu thuế hàng trăm tỉ đồng, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) có văn bản gửi cơ quan chức năng kiến nghị sớm có giải pháp kiểm soát thép gắn “mác” thép hợp kim tiếp tục ồ ạt vào Việt Nam.

 

Trong văn bản gui Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và lãnh đạo Bộ Công Thương trong chiều nay (29-7), VSA cho biết trong 4 năm trở lại đây, thép hợp kim chứa nguyên tố Bo (0,0008%) nhập khẩu từ Trung Quốc lợi dụng các khe hở trong việc quy định tiêu chuẩn thép hợp kim cũng như các chính sách ưu đãi về thuế (thép hợp kim được hưởng thuế nhập khẩu 0%).

Trong khi đó thuế nhập khẩu các loại thép khác như thép hình (chữ U, chữ H, chữ V ...) chịu thuế 5%, thép cuộn 5%, thép thanh 10-18% tùy loại.

Theo số liệu VSA thu thập được, trong năm 2012 Việt Nam đã nhập 619.000 tấn thép cuộn cán nóng và 275.000 tấn thép tấm cán nóng có chứa nguyên tố Bo. Riêng đối với thép xây dựng (thép cuộn, thép thanh, thép hình) có chứa Bo trong năm 2012 đã nhập khẩu 427.000 tấn từ Trung Quốc, tăng 331% so với năm 2011.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2013, lượng thép cuộn có chứa Bo nhập khẩu đã lên đến 270.000 tấn, cao hơn lượng thép cuộn mà Việt Nam đã nhập khẩu cả năm 2012 là 248.000 tấn.

VSA cho rằng một số doanh nghiệp Trung Quốc đã pha nguyên tố Bo vào các sản phẩm thép để tận hưởng các ưu đãi thuế nêu trên. Ban đầu các doanh nghiệp thép Trung Quốc chỉ pha nguyên tố Bo vào thép cuộn, sau này họ đã pha nguyên tố Bo vào các sản phẩm thép khác như thép cuộn cán nóng, thép tấm cán nóng và thép hình.

Việt Nam đến nay chưa sản xuất được thép cuộn cán nóng và thép tấm cán nóng nên các sản phẩm thép nhập loại này chưa gây tác hại cho thị trường trong nước. Nhưng đối với thép xây dựng thì công suất lắp đặt của ngành thép Việt Nam đã cao gấp đôi nhu cầu nên thép chứa Bo của Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vào thị trường Việt Nam đã gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp thép trong nước, đặc biệt trong thời điểm tổng cầu sụt giảm hiện nay.

“Việc nhập khẩu thép hợp kim chứa Bo từ Trung Quốc thực chất là hành động gian lận thương mại, gây tổn thất lớn đến hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách nhà nước”, văn bản của VSA nêu.

VSA kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra đối với tất cả các đơn vị nhập khẩu thép hợp kim chứa Bo, kể cả khâu hậu kiểm nhằm chống gian lận thương mại gây thất thu thuế cho nhà nước.

Thời gian qua, với chiêu lách thuế này, thép cuộn chứa Bo của Trung Quốc khi nhập vào Việt Nam có giá rẻ hơn gần 1 triệu đồng/tấn so với thép cuộn sản xuất trong nước, khiến nhiều nhà sản xuất thép cuộn trong nước càng thêm lao đao.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trước đây, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt cho biết trong khi nhiều nước đã áp dụng biện pháp tự vệ thì dường như những biện pháp của Việt Nam vẫn chưa có kết quả, đơn cử là thép cuộn từ Trung Quốc vẫn đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều.

Ông Thái cho biết, với giá rẻ hơn thép sản xuất trong nước, thép cuộn Trung Quốc hiện đang chiếm lĩnh hơn 10% thị phần tại các khu vực nông thôn. Nếu không sớm có biện pháp hiệu quả hơn để kiểm soát, chắc chắn ngành thép trong nước sẽ ngày càng khó khăn.

Trước đó, hồi tháng 8-2012, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 23/2012/TT-BCT quy định việc áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép. Tuy nhiên, thời gian cấp phép chỉ từ 5-7 ngày.

Trong khi đó, theo VSA thì các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã áp dụng những biện pháp phi thuế quan phức tạp, kéo dài hơn rất nhiều nhằm làm nản lòng các nhà nhập khẩu thép vào các nước này.

Chẳng hạn như quy trình cấp chứng chỉ nhập khẩu thép vào Thái Lan phải qua 14 khâu và mất 40-50 ngày làm việc (chưa bao gồm thời gian kiểm tra mẫu), còn nhập vào Malaysia và Indonesia cũng phải qua hơn 17 khâu trong thời gian 41 ngày, lâu nhất là công đoạn lấy mẫu kiểm tra chất lượng (mất 20 ngày), rồi cấp chứng chỉ kiểm định chất lượng trước khi cấp phép nhập khẩu.

 

 Nguồn tin: KTSG

ĐỌC THÊM