Gần 1 tháng qua, người dân khối phố 7A- phường Điện Nam Đông – Điện Bàn đã dựng lều, phân công người túc trực 24/24 không cho xe chở nguyên liệu vào Nhà máy sản xuất thép Việt Pháp. Nguyên nhân, người dân cho rằng nhà máy gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của mọi người.
Tại buổi đối thoại gần đây nhất, đại diện UBND TX.Điện Bàn thông báo cho người dân về quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức di dời Nhà máy sản xuất thép Việt Pháp vào năm 2019 khỏi Cụm công nghiệp Thương Tín 1.
“Tuy nhiên, trong thời gian chờ di dời thì chính quyền cũng như nhân dân trên địa bàn phải tạo điều kiện cho nhà máy hoạt động ổn định nhằm thu hồi bớt nguồn vốn bỏ ra xây dựng”, ông Trần Úc, Chủ tịch UBND TX.Điện Bàn đề nghị.
Mặc dù vậy, người dân sống gần Nhà máy sản xuất thép Việt Pháp vẫn không đồng tình với quyết định của UBND tỉnh là di dời nhà máy thép trước 31.12.2019. Người dân yêu cầu nhà máy chỉ sản xuất hết số lượng nguyên liệu đã nhập vào nhà máy, còn lại không được nhập mới để sản xuất đến khi di dời nhà máy.
Buổi đối thoại kết thúc mà chưa tìm ra tiếng nói chung khi chính quyền vẫn đề nghị người dân tiếp tục tạo điều kiện sản xuất đến khi di dời nhà máy để có thời gian hoàn vốn, công nhân có việc làm,. Trong khi đó, người dân bảo lưu quan điểm sản xuất hết nguyên liệu đã nhập thì thôi, không được nhập nguyên liệu mới. Hiện nhân dân vẫn kiên quyết giữ chốt chặn trước cổng không cho xe chở nguyên liệu sản xuất vào Nhà máy.
Ngày 1/8, PV Báo TN&MT đã có buổi tiếp xúc trực tiếp tại chốt chặn của người dân trước cổng của Nhà máy thép Việt Pháp. Đại diện người dân khối 7A- phường Điện Nam Đông, ông Lê Tự Hát cho rằng: nguyên nhân dẫn đến tình trạng như hiện nay là do chính quyền và Nhà máy không thực hiện đúng cam kết là phải di dời vào cuối năm 2017; hơn nữa chính quyền lại không hề thông báo cho bà con được biết về nguyên nhân nhà máy tiếp tục gia hạn hoạt động là coi thường người dân nên bà con mới bức xúc. Nếu như có thông báo cho người dân biết về nguyên nhân và thời gian gia hạn hoạt động thì chắc chắn người dân cũng sẽ thông cảm cho Nhà máy chứ không hề muốn làm khó chính quyền hay doanh nghiệp.
Theo ông Lê Tự Hát, nếu Nhà máy cam kết chỉ sản xuất 40-50% công suất thì người dân còn có thể tạm chấp nhận được cho đến khi Nhà máy di dời để bảo đảm quyền lợi cho nhà máy, cũng như công nhân của Nhà máy không bị thất nghiệp; nhưng sản suất 70- 80% công suất thì kiên quyết không thể được. Chính quyền tỉnh Quảng Nam và Nhà máy phải có cam kết bằng văn bản cụ thể và người dân sẽ trực tiếp giám sát việc này.
Vì vậy, nguyện vọng chung của bà con khối 7A- Điện Nam Đông hiện nay là mong lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trực tiếp xuống làm việc với người dân, trả lời bằng văn bản cụ thể để bà con yên tâm về việc chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng như Nhà máy thép Việt Pháp sẽ giữ đúng cam kết theo Quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam, chứ không được vi phạm cam kết như lần trước.
Nguồn tin: Tài nguyên & Môi trường