Bộ Công thương đã công bố Quyết định số 7896/QĐ-BCT về việc áp thuế chống bán phá giá (CBPG) sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ một số nước và vùng lãnh thổ.
Sự kiện này được xem là một bước chuyển tích cực sau nhiều năm bị kiện và bị động trước các vụ kiện của doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Hội thảo về điều tra CBPG ở Việt Nam: Kết quả và bài học kinh nghiệm, đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 18-9, tại Hà Nội.
Sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ một số nước và vùng lãnh thổ đã được áp thuế chống bán phá giá. Ảnh: Huy Hùng |
Sự việc bắt đầu từ đầu tháng 6-2013, khi Bộ Công thương nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra việc bán phá giá sản phẩm nói trên của một số công ty trong nước đối với DN Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia và Malaysia. Sau đó một tháng, Bộ Công thương đã quyết định tiến hành điều tra vụ việc. Bộ Công thương xác định, một số công ty của các nước và vùng lãnh thổ đã bán phá giá sản phẩm thép không gỉ; hoặc được DN, đại lý khác mua lại rồi bán vào thị trường Việt Nam, với biên độ bán phá giá từ 3,07% đến 37,29%. Từ đó, Bộ quyết định áp dụng mức thuế suất CBPG từ 3,07% đến 37,29% đối với DN vi phạm, thời hạn 5 năm kể từ ngày 5-10-2014. Theo quy định, sau một năm DN thuộc cả hai phía nguyên đơn và bị đơn đều có quyền đề nghị việc xem xét lại mức thuế suất trên nếu đưa ra được những chứng cứ, lý lẽ thuyết phục.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc VCCI nhấn mạnh, đây là vụ kiện CBPG đầu tiên của DN Việt Nam đối với các DN nước ngoài và đã thành công. Việc làm này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN Việt Nam trước sự vi phạm của DN nước ngoài, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, phù hợp thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra yêu cầu phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhất là ngành hải quan đối với việc kiểm tra, xác định rõ loại thép không gỉ nào thuộc đối tượng phải áp thuế CBPG. Sản phẩm bị điều tra thuộc các mã HS: 7219.32.00; 7219.33.00; 7219.34.00; 7220.90.00; 7220.20.90…
… Và bài học "vỡ lòng"
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia về vụ việc nêu trên. Giới DN Việt Nam cũng đã có những phản ứng tích cực trước thắng lợi này. Đây cũng là một tiền lệ mới được xác lập sau nhiều năm bị kiện và bị động trước các vụ kiện của DN nước ngoài. Qua vụ việc, giới chuyên gia khuyến cáo DN trong nước trước khi quyết định khởi kiện CBPG cần chuẩn bị hồ sơ theo nguyên tắc càng đủ càng tốt. Nghiên cứu phạm vi yêu cầu điều tra và hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra. Việc nghiên cứu văn bản, quy định quốc tế về vấn đề liên quan hoặc thuê tư vấn thuế, luật sư là hết sức cần thiết…
Theo đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, quyết định của Bộ Công thương là đúng mức, phù hợp chuẩn mực quốc tế nhằm tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN. Nếu DN nước ngoài nhập khẩu với giá hợp lý tức là sự cạnh tranh lành mạnh, cho cả DN cũng như người tiêu dùng. DN sản xuất thép trong nước cũng cần hiểu rằng, việc áp thuế CBPG không phải là bảo vệ DN nội một cách cứng nhắc. Mỗi đơn vị cần nâng cao ý thức, đạo đức kinh doanh; tránh tình trạng lợi dụng tình huống tăng thuế nhập khẩu như nói trên mà tăng giá bán kiểu "té nước theo mưa".
Kiện CBPG là chuyện thường xảy ra trong giao thương thời hội nhập quốc tế. Vấn đề là DN phải nắm bắt được thông tin, đánh giá đúng tình hình để bảo vệ quyền lợi của mình; đồng thời tăng cường liên kết, tham vấn từ hiệp hội ngành nghề cũng như cơ quan quản lý.
Nguồn tin: HNM