Các nền kinh tế Mỹ Latinh có "hệ miễn dịch" đủ mạnh để vượt qua thời kỳ tồi tệ hiện nay của nền kinh tế toàn cầu.
Đây là nhận định lạc quan của ông Augusto de la Torre, nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe, ngày 11/8.
Ông Augusto de la Torre nhấn mạnh sức bật tốt đã giúp các nền kinh tế Mỹ Latinh hiện vẫn ở vị thế tốt trong bối cảnh "dịch nợ công" đang lây lan nhanh trong nền kinh tế thế giới.
Suốt 20 năm qua, khu vực này đã trải qua cuộc cách mạng kinh tế thầm lặng, nhờ đó tạo được lá chắn hiệu quả chống lại các cơn sốc kinh tế từ bên ngoài mà thế giới đã chứng kiến trong các cuộc khủng hoảng trước đây, cùng với những cải cách kinh tế đang được thúc đẩy hiện nay.
Tuy nhiên, ông cảnh báo diễn biến ngày càng xấu đi và sự hỗn loạn trên quy mô lớn của nền kinh tế thế giới có thể thách thức khả năng phòng thủ này của các nền kinh tế Mỹ Latinh.
Nhà kinh tế của WB tin rằng nếu khủng hoảng tiếp tục, triển vọng của các nền kinh tế Mỹ Latinh vẫn tích cực nhờ hoạt động kinh tế mạnh. Mỹ Latinh có thể hấp thụ các cơn sốc tài chính từ các rối loạn kinh tế thế giới thông qua tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng thích hợp.
Dự báo mới nhất của WB cho rằng tốc độ tăng trưởng năm 2011 của hầu hết các nước Mỹ Latinh ở vào khoảng 4%, trừ các nước Caribe.
Trong thập kỷ qua, 60 triệu người Mỹ Latinh đã thoát khỏi nghèo khổ nhờ các mạng lưới bảo vệ xã hội mạnh được hầu hết các nước trong khu vực thiết lập. Nếu tình hình kinh tế xấu đi hơn nữa, những người nghèo dễ bị tổn thương nhất này vẫn có thể được lá chắn bảo vệ xã hội này bảo trợ.
Nguồn tin: (TTXVN/Vietnam+)