Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

World Bank: Căng thẳng thương mại vì thuế có thể đẩy thế giới về khủng hoảng năm 2008

 Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo căng thẳng thương mại leo thang có thể đẩy thương mại toàn cầu quay lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố ngày 5/6, WB đưa ra dự báo không mấy khả quan cho các thị trường mới nổi cũng như đã phát triển, do gia tăng căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn.

Thuế bị đẩy lên mức cao nhất, có thể làm thương mại toàn cầu giảm 9%, tương đương với mức giảm trong suốt thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2008 - 2009.

Canada, Mexico và Liên minh Châu Âu (EU) đang triển khai các biện pháp trả đũa để đáp lại thông báo của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 31/5 rằng các nền kinh tế này không được miễn thuế thép và nhôm, liên quan lo ngại của Mỹ về an ninh quốc gia.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được bắt đầu từ cáo buộc của Washington về việc Bắc Kinh có chính sách thương mại “không công bằng” và thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc. Điều này dẫn đến việc hai nước đe dọa áp thuế lên hàng tỷ USD hàng hóa của nhau.

Hai bên đang đàm phán nhằm tránh hoặc giảm mức thuế. WB nhận xét bất kỳ bước lùi nào trong thương mại của Mỹ hay Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng mang lại hiệu ứng tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán nhằm hiện đại hóa Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) đã không đưa ra được tuyên bố chung, đẩy hiệp định này và sự thông suốt thương mại mà nó duy trì suốt 24 năm qua tới bờ vực thất bại.

Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự gia tăng bảo hộ thương mại sẽ là các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, WB cho biết, những lĩnh vực như nông nghiệp và chế biến thức ăn sẽ thiệt hại nhiều nhất.

Lo ngại bị thổi phồng?

Dù không xảy ra chiến tranh thương mại, bất ổn từ những nguy cơ do sự chuyển dịch trong chính sách kinh tế của các nền kinh tế lớn cũng làm tổn hại thị trường và hoạt động tài chính toàn cầu.

WB nhấn mạnh rằng xu hướng tự do hóa thương mại đã bị chững lại một thời gian, với số thỏa thuận thương mại đạt được năm 2017 xuống mức thấp nhất trong vòng 18 năm.

S&P Ratings và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đều dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 1% nếu thuế quan tiếp tục mở rộng. Các tổ chức tài chính và cho vay quốc tế đều nhận xét một cuộc chiến tranh thương mại, hay thậm chí chỉ là nguy cơ của nó, có hại nhiều hơn lợi.

Một vài chuyên gia phân tích thị trường đã dự báo kinh tế Mỹ sẽ bước vào thời kỳ suy thoái mới trong vòng 2 năm tới, với mức nợ cao, lãi suất tăng, các yếu tố mang tính chu kì và căng thẳng thương mại leo thang chính là nguồn cơn của vấn đề.

Giám đốc điều hành J.P. Morgan Chase, Jamie Dimon nói rằng chính sách thương mại của chính quyền Trump chính là “con sâu làm rầu nồi canh”, đẩy sự phục hồi kinh tế hiện tại đi vào ngõ cụt.

Tuy nhiên, một vài nhà kinh tế nhận định sẽ không có cuộc chiến thương mại nào cả, tất cả chỉ là những chiến thuật đàm phán và những lo ngại đang bị thổi phồng quá mức. Họ cho rằng tình trạng “có đi có lại” tương tự cũng xảy ra dưới thời cựu tổng thốngGeorge W. Bush và do đó đã khiến dư luận hoang mang.

Cựu tổng thống Mỹ Bush cũng thi hành chính sách thuế cứng rắn như một biện pháp chống bán phá giá, nhưng đã phải hủy bỏ chúng vào cuối năm sau đó. Rất nhiều nghiên cứu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) và các cơ quan khác đã chỉ ra sự lợi bất cập hại khi áp dụng thuế quan, do chính sách này làm tổn hại đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và số lượng việc làm.

Nguồn tin: NDH

ĐỌC THÊM