Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Worldsteel dự báo nhu cầu thép thế giới sẽ hồi phục vào năm 2021

Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) dự báo nhu cầu thép toàn cầu sẽ giảm 6,4% trong năm 2020 do bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19, nhưng sẽ hồi phục vào năm 2021.

Trong báo cáo mang tên “Triển vọng ngắn hạn” công bố đầu tháng 6/2020, Worldsteel dự báo sản lượng thép thô toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức 1,65 tỷ tấn, sau đó tăng 3,8% lên 1,71 tỷ tấn vào năm 2021. Dự báo này dựa trên giả định hầu hết các quốc gia sẽ nới lỏng các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 vào tháng 6 hoặc tháng 7/2020, nhưng vẫn duy trì các biện pháp giãn cách xã hội, và sẽ không bùng phát làn sóng Covid-19 thứ 2 ở những nền kinh tế có ngành luyện thép phát triển. Các hoạt động kinh tế dự báo sẽ hồi phục trong quý 3/2020.

Về nhu cầu, theo ông Saeed Al Remeithi, Giám đốc điều hành của Emirates Steel đồng thời là Chủ tịch Ủy ban kinh tế của Worldsteel, có khả năng mức sụt giảm nhu cầu thép ở hầu hết các nước sẽ không nghiêm trọng như ở cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vì Covid-19 ảnh hưởng nhiều hơn tới những ngành ít sử dụng thép như tiêu dùng và dịch vụ. Tuy nhiên, ở nhiều nền kinh tế phát triển, nhu cầu thép vẫn chưa hồi phục hoàn toàn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và hiện vẫn ở mức thấp. 


Các lĩnh vực sử dụng thép đều bị ảnh hưởng bởi chính sách phong tỏa, khiến các nhà máy phải tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, các lĩnh vực sản xuất máy móc và ô tô dự báo sẽ còn bị ảnh hưởng kéo dài, đó là chưa kể đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những thay đổi về quy trình làm việc trong các ngành sử dụng thép để đáp ứng các yêu cầu về giãn cách xã hội sẽ còn tiếp tục được áp dụng. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới năng suất cũng như kế hoạch mở rộng sản xuất.

Kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu hồi phục kể từ cuối tháng 2/2020 và đang bình thường trở lại, ngoại trừ các lĩnh vực khách sạn và du lịch. Việc phong tỏa toàn quốc trong tháng 2 đã khiến GDP quý I/2020 giảm 6,8%, đầu tư tài sản cố định giảm 16,1%, sản xuất công nghiệp giảm 8,4%, trong đó ngành ô tô giảm mạnh nhất 44,6%.

Đến cuối tháng 4, tất cả các lĩnh vực sử dụng nhiều thép lớn đã trở lại hoạt động với công suất gần bằng mức trước khi khủng hoảng, mặc dù toàn bộ hoạt động của lĩnh vực sản xuất bị cản trở bởi nhu cầu xuất khẩu lao dốc. Sau khi dỡ bỏ phong tỏa ở Vũ Hán vào ngày 8/4, ngành xây dựng đã đạt lại mức công suất 100%.

Sự phục hồi nhu cầu thép dự báo sẽ rõ nét vào 6 tháng cuối năm 2020 nhờ nhu cầu đến từ lĩnh vực xây dựng, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng. Sự phục hồi trong sản xuất sẽ chậm hơn do kinh tế toàn cầu suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Mặc dù vậy, ngành công nghiệp ô tô sẽ được hỗ trợ từ các biện pháp kích thích.

Nhu cầu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 1% vào năm 2020. Ít có khả năng nước này sẽ đưa ra chương trình kích thích mạnh tay vì điều đó có thể ảnh hưởng tới kế hoạch tái cân bằng kinh tế của nước này. Tuy nhiên, nếu môi trường kinh tế toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hồi phục kinh tế trong nước thì Trung Quốc có thể sẽ phải bổ sung các biện pháp kích thích kinh tế.

Các nền kinh tế phát triển

Ở các nền kinh tế phát triển, nhu cầu thép dự kiến sẽ giảm 17,1% trong năm 2020. Mặc dù các ngành sử dụng thép không bị ảnh hưởng nhiều như ác ngành dịch vụ và tiêu dùng. Tuy nhiên, chi tiêu sụt giảm, thị trường lao động và niềm tin tiêu dùng yếu đi sẽ ảnh hưởng lây lan tới các lĩnh vực sử dụng thép. Nhiều doanh nghiệp thu lỗ, thậm chí phá sản, niềm tin kinh doanh sa sút và các biện pháp giãn cách xã hội sẽ khiến cho tiêu thụ thép trong nhóm các nước này đến năm 2021 cũng chỉ hồi phục được một phần những gì đã mất của năm nay (tăng 7,8% trong năm tới).

Nhu cầu thép của EU năm 2019 giảm 5,6% do sản xuất suy yếu kéo dài, năm 2020 tiếp tục gặp khó do các biện pháp giãn cách xã hội khiến đơn đặt hàng sụt giảm. Ngành ô tô dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi đó lĩnh vực xây dựng dự báo sẽ tương đối ổn định.

Tại Mỹ, đại dịch khiến sản xuất sụt giảm nghiêm trọng, dự kiến sẽ chạm mức thấp kỷ lục trong quý II/2020. Giá dầu giảm càng gây sức ép lên đầu tư trong lĩnh vực năng lượng – vốn đã khó khăn kể cả trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tỷ lệ thất nghiệp tăng dẫn đến thu nhập và niềm tin tiêu dùng giảm sút, ảnh hưởng tới lĩnh vực xây dựng nhà ở. Trong khi lĩnh vực xây dựng phi dân cư tăng cho đến thời điểm hiện tại vẫn trưởng tương đối ổn định, song dự báo sẽ suy giảm trong cả năm 2020 và chỉ hồi phục nhẹ vào năm 2021.

Nhu cầu thép của Nhật Bản đã suy yếu từ cuối năm 2019, dự báo sẽ khó khăn hơn nữa trong năm 2020 do xuất khẩu giảm và đầu tư trì trệ trong các lĩnh vực ô tô và máy móc. Kể cả lĩnh vực xây dựng dự báo cũng sẽ suy yếu, nhưng mức độ giảm không nhiều vì một số công trình xây dựng công cộng vẫn tiếp tục được triển khai.

Các ngành sử dụng nhiều thép ở Hàn Quốc dự báo cũng sẽ giảm 2 con số do thị trường xuất khẩu sụt giảm và kinh tế trong nước yếu đi. Ngành đóng tàu dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi hoạt động xây dựng sẽ chỉ giảm nhẹ nhờ các dự án cơ sở hạ tầng công cộng.

Các nền kinh tế đang phát triển (trừ Trung Quốc)

Nhu cầu thép của các nền kinh tế đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, dự báo sẽ giảm 11,6% trong năm 2020, nhưng sẽ phục hồi đáng kể trong năm 2021 khi tăng khoảng 9,2%.

Ấn Độ đã phong tỏa toàn quốc ở mức độ nghiêm ngặt nhất thế giới, khiến cho hoạt động công nghiệp ở nước này đình trệ hoàn toàn. Hoạt động xây dựng bị tạm dừng hoàn toàn từ cuối tháng 3 và đến nay mới hồi phục với tốc độ chậm, dự báo sẽ tác động mạnh đến ngành ô tô. Lĩnh vực máy móc dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm, do đầu tư bị gián đoạn và chuỗi cung ứng hồi phục chậm.

Lĩnh vực vây dựng nhận được sự hỗ trợ từ chương trình kích thích của Chính phủ, trong đó lĩnh vực cơ sở hạ tầng, như đường sắt, sẽ hồi phục nhanh nhất. Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ thu nhập cho khu vực nông thôn, cũng như thúc đẩy tiêu dùng trong mùa lễ hội sắp tới. Những điều đó được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đáng kể nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm 2020. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2020, dự báo nhu cầu thép sẽ giảm 18%, nhưng sẽ tăng 15% trong năm 2021.

Trong quý I/2020, các nước ASEAN bị ảnh hưởng nặng nề bởi Trung Quốc phong tỏa toàn quốc, sau đó tiếp tục bị ảnh hưởng do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Tuy nhiên, một số dự án cơ sở hạ tầng vẫn tiếp tục được thực hiện đã làm giảm bớt mức độ ảnh hưởng tới ngành thép. Thị trường Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng nhờ kiểm soát tố dịch Covid-19, sau đó nhu cầu trong năm 2021 dự báo sẽ tăng nhờ chính sách tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Tại Châu Mỹ Latinh, đại dịch đã tác động mạnh khiến cho năm 2020 khu vực này không có cơ hội tăng trưởng. Mỹ Latinh là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương do các vấm đề cơ cấu trong nước, bất ổn chính trị và giá hàng hóa tăng cao. Nhu cầu thép của khu vực này dự báo sẽ giảm đáng kể trong năm 2020, và sẽ chỉ hồi phục nhẹ trong năm 2021. Những chương trình cải cách và kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của Mỹ Latinh cũng sẽ bị cản trở bởi dịch bệnh – có thể sẽ còn tác động kéo dài.

Ở khối SNG, kinh tế sẽ hồi phục chậm sau suy thoái. Giá dầu giảm kết hợp với Covid-19 khiến cho nhu cầu thép ở SNG giảm mạnh trong năm 2020, và sẽ chỉ hồi phục nhẹ trong năm 2021.

Các quốc gia sản xuất dầu trong khu vực MENA cũng nằm trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do cú sốc kép của dịch COVID-19 và giá dầu lao dốc.

Nguồn tin: vinanet.vn

ĐỌC THÊM