Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng trong quý I năm nay tăng mạnh. Tổng sản lượng thép xây dựng cả nước ước đạt hơn 1,5 triệu tấn, trong đó sản lượng của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel) đạt hơn 640 nghìn tấn, chiếm 42 - 43% sản lượng toàn ngành.
Từ cuối tháng 3, do tác động của việc cắt giảm đình hoãn các dự án đầu tư theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, nhu cầu thép xây dựng giảm đáng kể, lượng tiêu thụ nhìn chung giảm mạnh. Tính đến hết tháng 4, lượng thép tồn khoảng gần 370 nghìn tấn, phôi thép tồn 500 nghìn tấn, đủ cho tiêu dùng và sản xuất thép đến tháng 7 tới. Như vậy, thép bảo đảm cân đối cung cầu trong quý I và không thiếu nguồn cung trong quý II. Trên thực tế, tổng công suất sản xuất thép xây dựng của ngành đã vượt xa nhu cầu thị trường nội địa và trong thời gian tới, nguồn 'cung' thép dự báo luôn vượt 'cầu'.
Tuy nhiên, trong quý I vừa qua, giá bán thép được điều chỉnh tăng nhiều lần, mức tăng 1 - 1,6 triệu đồng/tấn tùy chủng loại. Ngoài một số nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân do sự đầu cơ, găm hàng, cố tình tạo khan hiếm giả của một số đại lý, hệ thống phân phối thép nhỏ lẻ làm lũng đoạn thị trường. Lãnh đạo Bộ Công thương đánh giá, VSA và VnSteel đã góp phần không nhỏ để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, qua phân tích thực tế diễn biến thị trường, thấy rằng hệ thống phân phối thép đang có vấn đề. Nguồn cung thép mặc dù không thiếu, nhưng tại một số địa phương, ở một số thời điểm vẫn xảy ra hiện tượng thiếu hụt thép, dẫn tới giá bán ra tăng cao vô lý. Mặt khác, giá bán thép của một số doanh nghiệp VnSteel thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao trên thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất thép lớn trong nước, nhất là VnSteel, mới chủ yếu đầu tư phát triển một vài điểm bán buôn, chưa chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ. Toàn VnSteel có 50 nhà phân phối bán sỉ ở phía nam và công ty thành viên Gang Thép Thái Nguyên có thêm 30 nhà phân phối bán sỉ ở phía bắc. Gang Thép Thái Nguyên cũng phát triển mạng lưới bán lẻ, song hoạt động không hiệu quả bằng các cửa hàng bán lẻ của tư nhân đã có từ lâu. Chính vì thế, doanh nghiệp lớn mà lại không đủ khả năng điều tiết, không kiểm soát được giá bán thép của mình ra thị trường. Những hạn chế này không những khiến người tiêu dùng thiệt thòi khi không tiếp cận được với giá bán của nhà sản xuất, mà còn có thể bị doanh nghiệp phân phối nước ngoài thôn tính cả hệ thống bán sỉ, nhất là khi nước ta đang từng bước hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế.
Rõ ràng, điều cần kíp mà VnSteel cũng như các doanh nghiệp thép khác phải làm tốt trong thời gian tới là đưa nhiệm vụ xây dựng hệ thống bán lẻ thép xây dựng vào chủ trương, chiến lược và quy hoạch của ngành. Doanh nghiệp sản xuất thép cần phải đầu tư hơn nữa cho hệ thống bán lẻ và bán hàng đến tận chân công trình để bảo đảm đầu ra vững chắc, qua đó giữ vững được vị trí điều tiết thị trường. Phát triển kênh phân phối bán lẻ đòi hỏi nhiều công sức, nhưng khi đã xây dựng được tốt thì vị thế của doanh nghiệp sẽ vững vàng hơn. Ðồng thời, doanh nghiệp thép cũng cần nghiên cứu việc dự trữ bắt buộc (ngoài phần dự trữ của doanh nghiệp), có sự hỗ trợ lãi suất vốn vay của Nhà nước, để kịp thời tung hàng can thiệp khi xảy ra 'sốt' giá.
Nguồn tin: Nhandan