Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xem lại quản lý quy hoạch

Thông thường vào cuối tháng, ngành thép bao giờ cũng để một lượng hàng tồn lại để gối đầu tháng sau, nhưng chưa khi nào vượt mức 300.000 tấn như từ thời điểm cuối tháng 6/2012 đến nay. Lượng tồn kho tăng buộc các doanh nghiệp (DN) ngành thép phải tìm "trăm phương ngàn kế" cắt giảm chi phí sản xuất, giảm nguyên liệu đầu vào, thậm chí tính cả đường xuất khẩu (XK)...

Doanh nghiệp “chết lâm sàng”

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tồn kho thép cuối tháng 6 đã lên tới 350.000 tấn, tháng 7 là 370.000 tấn và cuối tháng 8, dự báo có thể tăng tiếp. Theo đà này, lượng tồn kho thép 6 tháng cuối năm 2012 có thể cao hơn 15% so với nửa đầu năm. Sẽ có khoảng 20% DN thép phá sản trong năm 2012, và ngành thép không có nhiều khởi sắc.

Thống kê cho thấy, sản xuất và tiêu thụ thép từ đầu năm đến nay đều giảm mạnh, trong đó sản xuất thép xây dựng giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng tiêu thụ giảm trên 16%. Đây là điều chưa từng gặp 10 năm qua. Đặc biệt, nhập khẩu (NK) giảm hơn 36%, trong khi XK thép xây dựng lại tăng mạnh trên 50% so với cùng kỳ. Với lượng tiêu thụ quá thấp, DN thép buộc phải tìm cách cắt giảm công suất, giảm nguyên liệu đầu vào và giảm giá bán... chờ điều kiện tốt hơn. Giá 1 tấn thép trên thị trường có lúc chỉ còn 17 - 18 triệu đồng/tấn. Hiện, Công ty thép Hòa Phát đã giảm nguồn cung nguyên liệu đầu vào và cắt 10 - 15% năng suất. Tuy nhiên, với lãi vay ngân hàng vẫn cao, tính ra nếu để 1 tấn tồn kho, chi phí tài chính lại tăng lên 200 - 250.000 đồng/tháng. Như vậy, đã không bán được thép, DN còn phải chịu lỗ, hạ giá bán thép mà vẫn phải chịu chi phí tài chính.
 

 
Do sức tiêu thụ yếu nên lượng thép thành phẩm tồn kho tại các doanh nghiệp đang tăng.  Ảnh: Doãn Tấn
 

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho biết: "Kinh tế khó khăn, nhiều công trình xây dựng thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng, đẩy các DN sản xuất thép vào thế khó khăn nhất từ trước đến nay. Dù chưa có DN nào tuyên bố phá sản, nhưng thực tế đã có những DN đã ngừng sản xuất từ 2 - 3 tháng nay.

Tính kỹ trong đầu tư

Bài toán khó nhất hiện nay đối với ngành thép là làm thế nào tăng sức tiêu thụ và giảm hàng tồn kho. Ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho rằng, có ba nguyên nhân chính làm tiêu thụ thép khó khăn: Thứ nhất, mất cân đối về cung - cầu trong nước và thế giới. Thép xây dựng là sản phẩm chính trong nước có nguồn cung tăng khoảng 1,5 lần so với cầu, trong khi một số nước cũng dư thừa nguồn cung nên chuyển hướng sang XK. Thứ hai, việc tăng giá nguyên nhiên liệu, tăng giá điện, xăng dầu ảnh hưởng không nhỏ đến DN, đặc biệt là sản xuất phôi (chiếm 3 - 5% giá thành). Thứ ba, hầu hết DN thép gặp khó trong tiếp cận vốn vay lãi suất thấp, do đây không phải là ngành được hưởng ưu đãi.

Theo ông Phạm Chí Cường, lượng thép tồn kho tăng đột biến còn bởi quy hoạch về đầu tư trong ngành thép đang thừa so với nhu cầu. Đầu tư ngành thép cần có tầm dài hơi, nhưng hiện vẫn chưa ngừng đầu tư, nhiều địa phương vẫn cấp phép đầu tư ngoài kiểm soát của Nhà nước. Về vấn đề này, ông Huỳnh Trung Quang, Tổng Giám đốc Công ty Thép Tây Đô cho rằng: "Chúng ta đã nói nhiều đến đầu tư quá "nóng" nhưng tại sao chưa chấm dứt tình trạng này. Nên chăng, cần có sự chủ trì của VSA để các DN sản xuất, kinh doanh đi tìm lời giải, khi đa phần DN mở rộng đầu tư đều là thành viên Hiệp hội".

Ông Quang cho rằng, cần khẩn trương giải quyết vấn đề đầu tư công và bất động sản để tăng sức tiêu thụ thép, chính sách giảm lãi suất đã "nói" thì phải "làm", có giải pháp cụ thể để dòng vốn đến với DN.

Lãnh đạo VSA cho rằng, cần tìm đầu ra cho ngành thép bằng các hợp đồng mới, tìm thị trường XK mới cho sản phẩm như thép mạ kẽm, tôn; mở rộng thị trường ra Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi… Nhiều ý kiến đề xuất, nên có chương trình xúc tiến thương mại cho DN thép ở các nước trong khu vực, trước hết là Myanma, Campuchia, Philipines - những thị trường có lợi thế và tiềm năng, trong đó Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn ở Myanma, cần xúc tiến nhanh nhất tại nước này để DN kịp nắm bắt cơ hội tiếp cận…
 

Đã có quy hoạch ngành thép đến năm 2030, và trong quý III/2012, Bộ sẽ hoàn thiện quy hoạch hệ thống phân phối để DN thép có chiến lược đầu tư phù hợp. Theo đó, những nhà máy có quy mô nhỏ, tiêu thụ điện năng cao, sử dụng điện năng, lò cao đến năm 2020 sẽ dần bị xóa bỏ. Đặc biệt, giờ đây Việt Nam đã đầu tư sản xuất được một số sản phẩm thép như các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nên Bộ Công Thương sẽ đề xuất để có chính sách hợp lý, không ưu đãi hơn với DN FDI nhằm đảm bảo tính công bằng giữa các DN.

Ông Bùi Quang Chuyện - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương

 

Nguồn tin: KT&ĐT

ĐỌC THÊM