Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xem xét quyền lợi của người tiêu dùng

 Sau loạt bài “Bảo hộ hay độc quyền” đăng trên báo SGGP số ra ngày 15và 16-11, các chuyên gia trong ngành pháp lý, kinh tế đã có ý kiến phân tích sâu về sự kiện 2 doanh nghiệp Posco VST và Hòa Bình Inox khởi kiện yêu cầu áp đặt mức thuế đối với sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu. Báo SGGP giới thiệu một số ý kiến để rộng đường dư luận.

Sản xuất bồn nước từ thép không gỉ. Ảnh: THỦY VŨ

  • Thạc sĩ Nguyễn Việt Khoa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và bồi dưỡng pháp luật kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TPHCM: Tạo tiền lệ xấu và cạnh tranh không lành mạnh

Chúng ta phải thừa nhận, kể từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc các doanh nghiệp yêu cầu Bộ Công thương điều tra chống bán phá giá là một vấn đề bình thường. Nếu họ thấy rằng lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại từ hoạt động bán phá giá của các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, trong trường hợp như loạt bài Báo SGGP nêu, việc 2 doanh nghiệp Posco VST và Hòa Bình Inox chiếm thị phần thống lĩnh thị trường 81,1% thép không gỉ cán nguội khởi kiện để yêu cầu Bộ Công thương áp đặt mức thuế đối với các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng này là một vấn đề hoàn toàn không bình thường. Chưa bàn đến tính đúng sai, vụ việc phải chờ ý kiến chính thức từ Bộ Công thương, tuy nhiên một vài vấn đề đặt ra ở đây là: mục đích khởi kiện của 2 doanh nghiệp này là gì, việc khởi kiện này có làm cho thị trường thép không gỉ cán nguội trong nước cạnh tranh lành mạnh hơn hay không…? Hay ngược lại, 2 doanh nghiệp này sẽ tiếp tục thống lĩnh thị trường mở rộng hơn nữa và người tiêu dùng vẫn tiếp tục phải chịu mức giá do 2 doanh nghiệp này ấn định. Hơn nữa, Posco VST là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, điều gì đảm bảo rằng doanh nghiệp này sẽ không tìm cách độc quyền tại thị trường Việt Nam để mặc sức tung hoành. Đây là một hình thức mới bên cạnh các hoạt động chuyển giá mà một số doanh nghiệp nước ngoài đang sử dụng trong thời gian qua. Việc vận dụng cam kết WTO để tìm cách thống lĩnh thị trường Việt Nam còn nguy hiểm hơn rất nhiều trong nền kinh tế hiện nay.

  • Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc điều hành Hãng Luật Giải Phóng: Không đủ điều kiện để tiến hành điều tra

Căn cứ quy định tại Điều 8 Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và qua nội dung Báo SGGP phản ánh, nếu có căn cứ xác định 2 doanh nghiệp này có mối quan hệ liên kết trực tiếp với tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thì không đủ căn cứ để tiến hành điều tra vì bên yêu cầu không đủ tư cách để đưa ra yêu cầu. Tuy nhiên, giai đoạn thẩm định hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đã qua và cũng đã có quyết định điều tra. Do đó, kể cả trong trường hợp bên yêu cầu không hợp lệ, cơ quan điều tra vẫn tiến hành điều tra và ra quyết định sơ bộ.

Theo thông tin mà báo chí phản ánh, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong vụ kiện này sẽ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Trong khi đó, áp dụng biện pháp chống phá giá là nhằm mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Vì thế, cần một kết luận điều tra khách quan là rất cần thiết. Với 2 doanh nghiệp, tham gia vụ kiện với tư cách là bên yêu cầu có thị phần chiếm hơn 80% trong khi có cơ sở xác định có mối quan hệ liên kết trực tiếp với tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá là tình tiết khá quan trọng để cơ quan điều tra ra một quyết định khách quan. Theo án lệ của cơ quan phúc thẩm WTO về chống phá giá, không nước nào ra quyết định áp dụng biện pháp chống phá giá, nếu nó gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa hay có nguy cơ gây ra thiệt hại.

  • Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hải, Đại học Quốc gia TPHCM: Xem xét tối đa lợi ích người tiêu dùng

Sự kiện Công ty Posco VST và Hòa Bình Inox kiện chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Malaysia và Indonesia là dấu hiệu đầu tiên thể hiện sự chủ động tự bảo vệ mình trước “cơn bão” hàng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể kiện chống bán phá giá thành công, tối thiểu doanh nghiệp khởi kiện cần đảm bảo 2 nguyên tắc quan trọng: Thứ nhất, tối thiểu 50% lượng sản xuất toàn ngành ủng hộ quyết định khởi kiện; thứ hai, tối thiểu 25% lượng sản xuất toàn ngành đứng tên nguyên đơn. Mặt khác, doanh nghiệp khởi kiện còn phải xác định và chứng minh được mức độ thiệt hại bằng các công cụ có sức thuyết phục như doanh số, thị phần, lợi nhuận, tồn kho...

Quay lại vụ khởi kiện của Công ty Posco VST và Hòa Bình Inox, bên cạnh 4 bị đơn là Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Malaysia và Indonesia, nhóm doanh nghiệp trong nước sử dụng sản phẩm thép không gỉ cán nguội làm đầu vào cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Vụ kiện thép không gỉ cán nguội đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khi họ vẫn tiếp tục phải nhập khẩu sản phẩm này. Vì vậy, trong các vụ kiện chống bán phá giá bao giờ cũng phải có sự cân nhắc giữa việc chúng ta bảo vệ một ngành sản xuất cụ thể với quyền lợi chung của người tiêu dùng, quyền lợi chung của nền kinh tế. Mặt khác, khi sử dụng công cụ quyền năng những nguyên tắc không thể bỏ qua, đó là sự cân bằng giữa lợi ích ngành và lợi ích chung của nền kinh tế; xem xét về lợi ích tối đa cho người tiêu dùng.

Nguồn tin:SGGP

ĐỌC THÊM