Để tránh thép Trung Quốc đội lốt thép Việt khi xuất khẩu, cần thận trọng xem xét việc cấp phép cho các dự án thép.
Văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa kiến nghị không cấp phép cho dự án sản xuất thép không gỉ cán nguội của công ty Yong Jin Metal (Trung Quốc).
Lý do VSA đưa ra là do lo ngại tình trạng dư thừa nguồn cung; chủ nghĩa bảo hộ càng ngày càng gia tăng ở tất cả các quốc gia để hạn chế làn sóng nhập khẩu thép vào quốc gia mình, mà Mỹ và EU là những ví dụ điển hình.
Các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống gian lận thuế, tự vệ thương mại… được áp dụng đồng loạt ở các quốc gia khác nhau đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Giai đoạn 2012 -2017, Trung Quốc đã thực hiện chính sách cắt giảm năng lực sản xuất dư thừa để tái cấu trúc lại ngành công nghiệp thép trong nước và chuyển dần năng lực dư thừa bằng hàng loạt dự án đầu tư ra nước ngoài trong đó có khu vực ASEAN và Việt Nam.
Chuyên gia ngành luyện kim - GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng kiến nghị của VSA có cái lý của họ.
Theo đó, hiện nay Mỹ đang đánh thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm của Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, trong đó Trung Quốc chiếm số lượng lớn. Bởi số lượng sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ bị hạn chế nên Trung Quốc thực hiện "bắc cầu", thông qua nước thứ ba để xuất khẩu sang Mỹ.
Sản xuất thép không gỉ cán nguội ở Việt Nam hiện đã dư thừa. Ảnh minh họa
"Vì thế, các dự án nhôm Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam có thể coi là một hình thức nhằm lẩn tránh xuất xứ. Trước đây, các dự án đó thường đăng ký đầu tư ở nội địa Trung Quốc, nhưng sau thấy khả năng tiêu thụ, lãi không cao nên chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài. Mục đích của những dự án phục vụ nhu cầu trong nước thì ít mà chủ yếu để xuất khẩu ra nước ngoài với danh nghĩa là thép của Việt Nam", GS.TSKH Phạm Phố chỉ rõ.
Trở lại dự án sản xuất thép không gỉ cán nguội của công ty Yong Jin, điểm hợp lý trong kiến nghị của VSA, theo nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn là, hiện nay số lượng thép không gỉ cán nguội ở Việt Nam nhu cầu không lớn. Riêng việc sản xuất thép cán nguội ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã dư sức đáp ứng nhu cầu trong nước, thậm chí còn phục vụ xuất khẩu.
Nếu dự án của công ty Yong Jin được cấp phép, nó sẽ cạnh tranh với nhà máy của Việt Nam ở thị trường nội địa và cả xuất khẩu, GS Phố cảnh báo.
"Bởi VSA biết Trung Quốc đang có ý đồ tránh con đường xuất khẩu thép trực tiếp sang Mỹ, thay vào đó là con đường gián tiếp thông qua nước thứ ba nên hiệp hội đề nghị không cấp phép cho dự án là đúng", vị chuyên gia khẳng định.
Ông cũng cho biết, thép Việt đã bị vạ lây rất nhiều khi bị đánh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có những vụ nghi ngờ là thép Trung Quốc chuyển xuất xứ sang Việt Nam.
Sự việc tiêu biểu là cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu lên các sản phẩm thép vận chuyển từ Việt Nam được cho là có xuất xứ Trung Quốc.
Theo đó, Mỹ sẽ đánh thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cuộn cán nguội từ Việt Nam. Còn thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam đối mặt với các mức thuế lần lượt là 199,43% và 39,05%. Các sản phẩm này khi vào Mỹ sẽ bị cộng thêm thuế 25% theo một quyết định từ đầu năm nay của chính quyền Mỹ đối với hầu hết các sản phẩm thép nhập khẩu.
Các doanh nghiệp thép của Mỹ cho rằng từ năm 2015, sau khi áp thuế chống bán phá giá nhằm vào thép Trung Quốc, lượng thép nhập khẩu vẫn chảy mạnh vào thị trường Mỹ từ các quốc gia khác, đặc biệt từ Việt Nam. Dù sản phẩm được gia công ở Việt Nam nhưng 90% giá trị sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Từ bài học những vụ bị đánh thuế trước đây, GS.TSKH Phạm Phố khẳng định, nếu biết sản phẩm thép do nhà máy Trung Quốc đặt tại Việt Nam xuất sang, Mỹ sẽ trừng phạt phía Việt Nam chứ không phải là Trung Quốc. Vì lẽ đó, Việt Nam phải hết sức thận trọng khi xem xét cấp phép cho các dự án thép.
Dù khẳng định kiến nghị của VSA đối với dự án thép của doanh nghiệp Trung Quốc là hợp lý nhưng GS.TSKH Phạm Phố cho hay, kiến nghị ấy được chấp thuận hay không nằm ngoài khả năng, ý muốn của VSA.
"Điều tôi lo ngại là việc cấp phép hay không cấp phép có thể bị lợi ích nhóm chi phối. Trung Quốc rất mạnh chi và để đạt được mục đích, doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng hối lộ", GS Phố cảnh báo.
Nguồn tin: Đất việt