"Vấn đề phát triển, quy hoạch ngành thép, cho phép hay không cho phép dự án thép ra đời hay tiếp tục được triển khai không phải thừa hay thiếu mà là trong bối cảnh hội nhập, anh là người đi sau nên cần chọn những gì làm tốt nhất có lợi nhất và không ô nhiễm môi trường”, GS.TS Nguyễn Mại bình luận.
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được thực hiện
từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án xử lý đối với Dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và phương án xử lý đối với Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Bộ Công Thương đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện công việc thẩm định giá đối với Dự án và của Công ty nêu trên.
Bình luận về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: “Thà bỏ đi một lần còn hơn”.
"Vấn đề phát triển, quy hoạch ngành thép, cho phép hay không cho phép dự án thép ra đời hay tiếp tục được triển khai không phải thừa hay thiếu mà là trong bối cảnh hội nhập, tham gia phân công lao động, anh là người đi sau nên cần chọn những gì làm tốt nhất có lợi nhất và không ô nhiễm môi trường”, ông Mại nói.
Theo ông Mại, thế giới bắt đầu giảm sắt thép. Như tại Trung Quốc cắt giảm 25% và từ năm 2002 đến nay đã giảm dần các dự án có sản lượng dưới 2 triệu tấn…
“Mình muốn đưa thép vào, chưa nói đến bao nhiêu, không thoát khỏi công nghệ Trung Quốc. Tại sao mình đi vào cái mà người ta đang khổ sở, muốn cắt giảm? Tôi dứt khoát phản đối việc tiếp tục cấp phép các dự án sản xuất thép có quy mô lớn”, ông Mại nói.
Ngoài ra, ông Mại cũng cho rằng: "Đáng lẽ không có Formosa Hà Tĩnh thì tốt nhưng lỡ rồi, bây giờ cần dừng việc cấp phép mới các dự án thép vì công nghệ lò cao, không có cách gì khác xả thải ra môi trường".
Đồng quan điểm, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng từng cho biết, không nên “ném” thêm tiền vào dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Nguyên nhân được vị chuyên gia chỉ ra là dự án đã ứ đọng hàng nghìn tỷ đồng trong khi đó thép Trung Quốc giá rẻ tràn thị trường, thép sản xuất trong nước khó cạnh tranh.
"Chưa kể, đầu vào để sản xuất, Việt Nam cũng sẽ phải nhập khẩu và các vấn đề liên quan, tác động đến môi trường”, ông Hồ nói.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, tinh thần chung là không ưu đãi thêm, các dự án phải tìm mọi cách xử lý, rà soát nguyên nhân vì sao, khắc phục được không và bằng cách nào. Trường hợp xét thấy không thể đảm bảo hiệu quả phải “cắt đi”, tìm cách xử lý thu hồi vốn mặc dù có thể thất thoát một phần vốn quan trọng nhưng còn hơn tiếp tục vì nếu tiếp tục có thể còn mất nhiều hơn.
Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên được phê duyệt từ năm 2005 với tổng mức đầu tư là 3.843 tỷ đồng, trong đó 45% vay VDB, 45% Vietinbank và 10% vốn tự có của chủ đầu tư.
Theo Bộ Công Thương, do sự biến động giá cả của thị trường và các cơ chế chính sách của Nhà nước, quý I/2012, chủ đầu tư đã rà soát lại tổng mức đầu tư của dự án và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh tăng lên 8.104 tỷ đồng. Tiếp đó, HĐQT của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên phê duyệt điều chỉnh vào tháng 4/2013.
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được triển khai thực hiện từ năm 2007, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các hạng mục chính của dự án vẫn chưa hoàn thành. Tính đến thời điểm 30/6/2016, tổng giá trị đầu tư của dự án này đã thực hiện đạt 4.539,7 tỷ đồng. Công ty đã lập báo cáo số 282 ngày 10/5/2016 để kiến nghị Bộ Công Thương về các đề xuất phê duyệt điều chỉnh lần 2 tổng mức đầu tư dự án kèm theo các điều kiện ưu đãi về cơ chế tín dụng, thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng được hoàn của tổng mức đầu tư.
Tại thời điểm trên, TISCO đang trong “thế kẹt” giữa việc tiếp tục hay buông bỏ dự án khi số tiền giải ngân đã quá lớn. Phát biểu trên báo chí, ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng giám đốc TISCO cho biết, có hai lối thoát có thể lựa chọn là đầu tư tiếp, khi dự án hoạt động tốt Nhà nước mới thoái vốn cho tư nhân làm, hoặc Nhà nước bán toàn bộ công ty, để tư nhân nắm quyền chi phối thì mới có thể thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư bên ngoài.
Trong trường hợp đầu tư tiếp thì phải có cơ chế ưu đãi để giảm vốn, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hiệu quả dự án cao nhất, bởi nếu chậm một ngày giá cả sẽ tăng và máy móc đã nhập về sẽ hư hỏng thêm. Khi thực hiện phải công khai, minh bạch để các cơ quan và xã hội cùng giám sát. Việc đầu tư tiếp, theo lãnh đạo TISCO, thì sẽ có cơ hội thu hồi số vốn đã giải ngân hơn 4.500 tỷ đồng.
“Nếu không có ưu đãi tổng vốn đầu tư dự án phải trên 9.500 tỷ đồng, không chỉ dự án không hiệu quả, công ty cũng chết theo”, ông Diệp cho hay. Nếu đầu tư tiếp, nhà máy phải cơ cấu lại lao động còn khoảng 3.500 người để giảm giá thành sản phẩm.
Không lâu sau đó, phát biểu tại một hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố thẳng rằng “Chính phủ không thể tiếp tục ném tiền vào Gang thép Thái nguyên, như thế chẳng khác gì ném tiền vào lửa”.
Tiếp đó, hồi tháng 5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo giao Bộ Công Thương thành lập tổ công tác, thuê tư vấn độc lập để đánh giá toàn diện dự án và đưa ra phương án xử lý theo 3 hướng: bán dự án, bán Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên hoặc kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư.
Đến giữa tháng 6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc cho phép Bộ Công Thương lựa chọn nhà thầu tư vấn độc lập đánh giá dự án theo hình thức chỉ định thầu. Bộ Công Thương có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và tự chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Bên cạnh đó, bộ này cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn TISCO thanh toán, hạch toán chi phí thuê tư vấn độc lập theo quy định hiện hành.
Nguồn tin: Dân trí