Nếu Ngân hàng Nhà nước buộc phải làm rõ cơ cấu của tỷ lệ nợ xấu thì vô hình trung, những hệ quả từ mối quan hệ hết sức "tế nhị" ngân hàng - DN từ nhiều năm qua sẽ được công luận và nhiều người dân biết đến.
Câu hỏi của Standard & Poor
Cùng với Moody, Fitch Rating và Credit Suisse, Standard & Poor của Mỹ (S&P) là một trong những tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập dành mối quan tâm khá đặc biệt đến các vấn đề kinh tế và tài chính vĩ mô của Việt Nam trong những năm gần đây.
Sự quan tâm này tất nhiên có lý do của nó.
Vào đầu tháng 11/2011, trong một công bố mới nhất của mình, S&P đã điều chỉnh đánh giá mức độ rủi ro trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam từ "Nhóm 9" lên "Nhóm 10" (nhóm cuối cùng trong thang 10 nhóm của S&P), tức hệ thống ngân hàng Việt Nam đang nằm trong "mức độ rủi ro rất cao". Tình trạng này xuất phát từ việc Việt Nam có nguy cơ cao trong mất cân bằng kinh tế, thể hiện qua tăng trưởng tín dụng nhanh trong vài năm qua. Tăng trưởng mạnh về nhà đất cũng góp phần vào mức độ rủi ro khi giá cả rớt mạnh.
Như vậy, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã chính thức nằm trong nhóm những quốc gia có độ rủi ro rất cao, cùng với Hy Lạp và Belarus.
Vì sao S&P lại dành cho hệ thống ngân hàng Việt Nam cái nhìn quá tiêu cực như thế?
Có lẽ hình ảnh nổi bật nhất của các ngân hàng Việt Nam hiện giờ không phải là con số lãi từ 1.000-3.000 tỷ đồng đối với một số ngân hàng, mà là hiện tượng ngân hàng tuy lãi lớn nhưng nợ xấu tiềm ẩn trong hệ thống này cũng lớn không kém.
Con số nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố chính thức là 75.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 3,75 tỷ USD), chiếm khoảng 3% trong tổng dư nợ của toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia và cũng là một thành viên trong Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ của chính phủ, nếu hạch toán đầy đủ thì con số nợ xấu tại các ngân hàng phải lên đến khoảng 100.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD).
Trong đó, nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) chiếm tới 47%, và nếu thanh tra toàn diện và hạch toán đúng thì còn một tỷ lệ rất lớn nợ nhóm 5 đang ẩn trong nợ nhóm 4.
Nợ xấu BĐS
Riêng tại TP.HCM, dư nợ cho vay phi sản xuất (như chứng khoán, bất động sản...) vào tháng cuối 10/2011 được báo cáo là đã giảm xuống còn 18,57%. Tuy vậy vẫn còn hơn 10 ngân hàng tại thành phố này có tỷ trọng dư nợ phi sản xuất vượt hơn mức cho phép 16% từ 2-3%.
Nhiều chuyên gia làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đã xác nhận rằng có đến 90% trong số dư nợ cho vay phi sản xuất là bất động sản.
Đến tháng 11/2011, sau làn sóng đổ vỡ tín dụng đen bất động sản ở Hà Nội, tại TP.HCM đã xuất hiện một số doanh nghiệp nhà đất phải đóng cửa.
Tình hình đang trở nên thật sự nguy ngập đối với các doanh nghiệp bất động sản và cả với nhiều ngân hàng mà lâu nay được xem như có vai trò "đỡ đầu" cho doanh nghiệp trong việc đảo nợ, giãn nợ.
Thông tin từ cán bộ nguồn vốn của một ngân hàng cho thấy một số doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề đã "lẩn" nợ vay bất động sản vào một lĩnh vực sản xuất của công ty, sau đó trả dần. Còn với những doanh nghiệp thuần kinh doanh bất động sản mà ngân hàng chưa thu hồi được nợ thì chỉ còn cách chuyển loại nợ đó sang công ty quản lý nợ trực thuộc ngân hàng. Nợ xấu bất động sản cũng từ đó xuất hiện.
Tiền ở đâu để xử lý nợ xấu?
Hiển nhiên, nợ xấu chiếm vị trí trọng tâm trong kế hoạch "Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng" của chính phủ.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cần xử lý toàn bộ nợ xấu để làm sạch bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại.
Nhưng muốn minh bạch hóa tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại, trong đó có ít nhất 8 ngân hàng đang nằm trong "danh sách đen" của Ngân hàng Nhà nước, lại cần có tiền. Số tiền này phải đến từ chính ngân sách nhà nước.
Một vài chuyên gia tài chính Việt Nam nhắc lại kinh nghiệm xử lý ngân hàng trong giai đoạn 1999-2007. Vào giai đoạn đó, có 17 ngân hàng cổ phần bị sáp nhập và giải thể. Để xử lý 17 ngân hàng này, Ngân hàng Nhà nước đã phải chi 1.500 tỷ đồng từ nguồn tiền cung ứng đóng cửa một số ngân hàng và tái cấp vốn cho những ngân hàng thực hiện cơ cấu lại.
Nhưng hiện nay, số lượng ngân hàng thương mại đã tăng vọt so với năm 2007 và số tiền để tái cơ cấu cũng sẽ lớn hơn rất nhiều. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho rằng nếu dùng tiền ngân sách sẽ chắc chắn không khả thi vì ngân sách đã thâm thủng quá lớn; còn nếu dùng tiền cung ứng cũng không ổn do áp lực lạm phát đang rất cao.
Ông Dũng nêu ra kinh nghiệm nên vận dụng tái cơ cấu ngân hàng theo nguyên tắc thị trường mà Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Canada, Đài Loan... từng làm. Ông dẫn chứng là trong cuộc khủng hoảng châu Á - Thái Bình Dương và tại Hàn Quốc năm 1997, trong vòng 4 năm (1998-2002), các quốc gia ở khu vực này đã tiến hành cơ cấu hệ thống tài chính, chấp nhận cho loại bỏ, sáp nhập, hợp nhất 838 tổ chức tài chính "có vấn đề" với tổng mức chi tới 126 tỷ USD, mặc dù chỉ bỏ tiền túi ra có 11 tỷ USD.
Cho đến nay, cuộc tranh luận về lấy tiền ở đâu để xử lý nợ xấu ngân hàng vẫn đang tiếp diễn. Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng phải lấy từ ba nguồn. Nguồn thứ nhất lấy từ trích lập dự phòng rủi ro của hệ thống ngân hàng thương mại. Hiện tại, nguồn này của toàn hệ thống ước tính trên 20 nghìn tỷ đồng và được coi đóng vai trò chủ chốt so với các nguồn khác.
Nguồn thứ hai là các ông chủ nhà băng phải tăng vốn, góp thêm tiền để xử lý nợ xấu. "Nhà nước phải bắt buộc các ông chủ nhà băng đóng thêm tiền để tái cấu trúc ngân hàng mình. Họ phải cơ cấu lại danh mục tài sản và bù đắp vào những tổn thất rủi ro trong kinh doanh ngân hàng, chứ không thể lấy ngân sách để xử lý", ông Nghĩa nói.
Nguồn thứ ba, đối với một số đơn vị, nhất là đơn vị có sở hữu nhà nước thì nhà nước nước phải bỏ tiền ra.
Ở đợt tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại giai đoạn 2001-2005, nguồn trích lập dự phòng rủi ro rất thấp, các ông chủ nhà băng cũng không nhiều tiền, vì thế ngân sách phải bỏ ra là chủ yếu. Nhưng nay, lạm phát rất cao thì biện pháp này không khả thi; bởi nếu không, lạm phát sẽ phi mã khủng khiếp, gây áp lực lên bình ổn kinh tế vĩ mô và làm tổn thương đến đời sống người dân, nhất là đối với những người thu nhập thấp.
Không xác định được tỷ lệ nợ xấu thực tế, xử lý thế nào?
Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một văn bản, công bố 5/12 chỉ số cốt lõi trong bộ chỉ số lành mạnh tài chính của mỗi quốc gia theo tiêu chuẩn của IMF gồm: tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, dư nợ của từng lĩnh vực trong tổng dư nợ, chỉ số ROA (lợi nhuận trên tài sản) và ROE (lợi nhuận trên vốn đầu tư) của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Việc công bố chỉ số ngân hàng cũng gián tiếp xác nhận khả năng minh bạch hóa phần nào nợ xấu tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Hơn nữa, điều này còn gián tiếp xác nhận những hậu quả của nợ xấu có thể lây lan giữa các ngân hàng như một hiệu ứng domino và kéo theo hậu quả sụp đổ của một bộ phận lớn ngân hàng.
Tuy thế, muốn xử lý được nợ xấu lại cần phải nắm rõ được thực chất con số của nợ xấu. Cho đến nay, vấn đề này vẫn gây tranh cãi lớn trong giới phân tích và các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và tiền tệ ở Việt Nam.
Tỷ lệ nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước tính toán đến cuối tháng 6/2011 là 3,04%. Trong khi đó, ông Lê Xuân Nghĩa lại nêu ra một quan điểm khác: "Chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng xấu đi do tăng trưởng tín dụng nóng, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh đạt 8,5%, cao gấp 3 lần mức bình quân năm 2010".
Trong một đánh giá mới đây, ông Nghĩa cho rằng cho đến nay cả Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đều chưa thể nắm được số nợ xấu chính xác là bao nhiêu. Thực tế cho thấy chỉ 1/3 báo cáo của ngân hàng là tương đối, còn lại đều đáng nghi ngờ. Nhiệm vụ trước khi tái cấu trúc là phải biết con số thực về nợ xấu. Nếu không biết được con số này thì chương trình tái cấu trúc là vô nghĩa.
Với một cái nhìn hoàn toàn khác biệt với Ngân hàng nhà nước Việt Nam, hãng xếp hạng độc lập Fitch Rating đã đánh giá tỷ lệ nợ xấu ở Việt Nam lên đến 13%.
Những chênh biệt quá lớn liên quan đến tỷ lệ nợ xấu ở Việt Nam cũng chẳng khác mấy tình hình đang diễn ra ở Trung Quốc. Vào cuối năm 2010, Ngân hàng trung ương của quốc gia này chỉ xác định tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,1%. Nhưng vào đầu tháng 7/2011, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody lại khẳng định tỷ lệ nợ xấu của khối ngân hàng Trung Quốc có thể lên tới khoảng 18%!
Dĩ nhiên, đã có những phản ứng từ phía giới quản lý ngân hàng của Trung Quốc và Việt Nam về "cách tính không phù hợp" của Moody hay của Fitch Rating.
Nhưng dù thế nào, ngành ngân hàng Việt Nam cũng đang phải đối diện với một nghịch lý nội tại: sẽ khó có thể xử lý được nợ xấu của ngân hàng và do đó tiến tới tái cấu trúc hệ thống này, nếu không nắm được con số nợ xác thực.
Còn nếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam buộc phải làm rõ cơ cấu của tỷ lệ nợ xấu thì vô hình trung, những hệ quả từ mối quan hệ hết sức "tế nhị" ngân hàng - doanh nghiệp từ nhiều năm qua sẽ được công luận và nhiều người dân biết đến.
Chưa kể đến việc muốn giải quyết nợ xấu, công việc nặng nề nhất sẽ thuộc về việc xử lý nợ vay bất động sản - điều mà báo chí Việt Nam ví như "các chủ đầu tư đang chết trên đống tài sản khổng lồ của chính mình".
Nghịch lý trên cũng lại là vấn đề mà ngành ngân hàng Trung Quốc đang đau đầu, khi mà họ đã cố gắng bưng bít thông tin nội bộ từ quá lâu nay.
Nguồn tin: StockBiz