Cho đến nay, vẫn chưa có dự án thép nào bị rút giấy phép trong khi, Bộ chỉ có quyền… kiến nghị, ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương chia sẻ.
PV: Thưa ông, tại sao, Thủ tướng đã có ý kiến tạm dừng cấp phép các dự án thép xây dựng thông thường từ tháng 3/2009 nhưng sau đó, vẫn có trường hợp các dự án thép xây dựng được triển khai thêm?
- Cho đến nay, chúng tôi mới ghi nhận có 2 dự án thuộc trường hợp như vậy. Nhưng để đánh
Ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương (ảnh: Phạm Huyền) |
Cụ thể như nhà máy thép Shengli ở Thái Bình, giai đoạn 1 sản xuất phôi thép với công suất 600.000 tấn/năm, giai đoạn 2 sản xuất thép cán xây dựng với công suất 200.000 tấn/năm.
UBND tỉnh Thái Bình cấp phép cấp cho toàn bộ dự án với các giai đoạn triển khai như trên. Đến khi nhà đầu tư triển khai sang giai đoạn 2 vào cuối năm 2009 thì lại vướng chính sách mới là tạm dừng cấp phép cho thép xây dựng thông thường.
Về lý, tỉnh đã cấp phép thì nhà đầu tư dự án này được quyền thực hiện theo giấy phép. Còn quy định mới ra thì chỉ áp dụng cho dự án mới.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nêu lý do là trước đây đã sản xuất phôi thép, nay làm thêm cán thép, tức là sản xuất từ thượng nguồn đến hạ nguồn sẽ hạ giá thành sản phẩm, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.
Đối với dự án thép xây dựng của Công ty Cổ phần Thép Việt Đức tại tỉnh Vĩnh Phúc, mới đi vào sản xuất từ tháng 4/2010, chúng tôi sẽ kiểm tra và tìm hiểu thêm thông tin.
Thép xây dựng đang dư thừa nguồn cung tới 1,8 lần (ảnh: Phạm Huyền) |
PV: Đến nay, việc rút giấy phép các dự án thép yếu kém tại các địa phương đã được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Hiện nay, các địa phương mới làm động tác rà soát lại. Cũng có tỉnh đã xử lý một vài dự án như BQL Khu công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu đã chuyển giấy chứng nhận (GCN) đầu tư dự án thép cán nóng của Essar sang cho Tổng công ty thép Việt Nam.
Tạm dừng cấp phép dự án thông thường là chỉ đạo nổi bật của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại văn bản số 1708/VPCP-KTN ngày 19/3/2009. Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương phải rà soát kỹ các dự án thép đã cấp phép đầu tư, xử lý thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án chậm tiến độ, không còn khả năng tài chính để tiếp tục triển khai. |
Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy rằng sự phối hợp quản lý của địa phương giữa Sở Công thương với Ban quản lý các KCN cũng chưa được đồng bộ, chặt chẽ với nhau. Ở lần rà soát trước, có địa phương còn chậm nộp báo cáo hoặc báo cáo không đúng thực tế.
PV: Trong bản rà soát gần đây, Bộ Công Thương nhắc tới 3 dự án lớn có thể không triển khai được là dự án thép Cà Ná, thép của Tata và thép của Essar. Ông có đánh giá gì về 3 dự án lớn này?
Như trao đổi trước đó, dự án thép Cà Ná 9,8 tỷ USD tại Ninh Thuận chắc sẽ rất khó hoặc không thể triển khai được. Tỉnh cũng có dự kiến sẽ thu hồi giấy phép đầu tư này.
Với dự án khu liên hợp thép 5 tỷ USD của Tập đoàn Tata, chúng tôi vẫn ủng hộ. Đây là tập đoàn lớn nhất của Ấn Độ và là 1/10 tập đoàn thép lớn nhất thế giới. Họ cũng đi từ sản xuất thượng nguồn đến hạ nguồn. Hiện nay, mặc dù trải qua hơn 2 năm vướng mắc, tập đoàn này vẫn tha thiết theo đuổi dự án này và Thủ tướng cũng đã giao UBND tỉnh Hà Tĩnh làm việc với Tập đoàn Tata và Tổng Công ty Thép Việt nam (đơn vị liên doanh) xem xét, trao đổi cụ thể về dự án này.
Dự án lớn thứ 3 đang gặp khó khăn là dự án thép cán nóng, công suất 2 triệu tấn/năm tại Bà Rịa Vũng Tàu. Chúng tôi ủng hộ dự án này vì hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu thép tấm cán nóng. Chỉ có điều là, việc triển khai dự án này còn phụ thuộc vào khả năng huy động tài chính của Tổng công ty Thép Việt Nam. Theo tôi biết, Tổng công ty thép cũng rất quyết tâm.
PV: Vậy, ông lo ngại điều gì khi có quá nhiều dự án thép ngoài qui hoạch hiện nay?
- Điều đáng lo nhất, đó là việc cấp phép các dự án ngoài qui hoạch nhưng lại có công nghệ lạc hậu, không đảm bảo về môi trường, nguồn nguyên liệu không đảm bảo tính bền vững.
Khi thêm nhà máy thép, sẽ gây thêm áp lực cho việc cung ứng điện của địa phương, qui hoạch lưới điện sẽ phải bổ sung trong khi, cả nước đang thiếu điện và đầu tư vào ngành điện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Một nhà máy sản xuất phôi thép theo công nghệ lò điện công suất tiêu hao điện năng rất lớn, khoảng 500- 700 kWh/1 tấn phôi thép.
Chỉ những dự án thép công nghệ tiên tiến mới được bổ sung vào qui hoạch (ảnh: Phạm Huyền) |
Bên cạnh đó, sự có mặt của các dự án thép ngoài qui hoạch, đặc bịêt là sản xuất những chủng loại thép đã dư thừa nguồn cung so với cầu, làm cho các doanh nghiệp có dự án nằm trong qui hoạch, không thể khai thác hết công suất. Như vậy, là ảnh hưởng tới thị phần của doanh nghiệp đó và sẽ gây lãng phí đồng vốn đầu tư.
PV: Được biết, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Thủ tướng cho bổ sung qui hoạch những dự án thép có đủ điều kiện. Nếu vậy, liệu rằng sẽ xảy ra tình trạng các địa phương nới lỏng quản lý, đều xin bổ sung dự án vào qui hoạch?
- Qui hoạch sản xuất thép là qui hoạch mở. Chúng ta cũng cần cho phép đầu tư những dự án mới, công nghệ tiên tiến, sản xuất những sản phẩm mà nước ta đang phải nhập khẩu và theo qui luật thị trường, những cái mới dần dần sẽ đào thải cái cũ, công nghệ lạc hâu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Việc bổ sung các dự án thép đáp ứng các điều kiện về đầu tư phù hợp với mục tiêu của Quy hoạch là điều cần thiết, nên làm và chúng tôi sẽ rà soát kỹ lưỡng các dự án.
Một số dự án cần phải đến tận nơi xem xét, kiểm tra chứ không thể chỉ xem trên giấy. Cụ thể là sẽ phải xem nhà đầu tư triển khai dự án đến đâu, khả năng kinh phí thế nào… để hạn chế tối đa việc đưa các dự án vào qui hoạch nhưng không đảm bảo các điều kiện về đầu tư.
Theo tôi, quy hoạch thép mà làm đúng được khoảng 80-90% là tốt rồi. Bởi chúng ta quan tâm nhất là tính hiệu quả của dự án chứ không phải là vấn đề tại sao có quá nhiều dự án thép.
Vietnamnet