Đã hết 2/3 chặng đường song XK của nước ta vẫn chỉ tăng chưa đầy 7%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 10% Quốc hội đề ra. Nếu muốn hoàn thành mục tiêu thì những tháng còn lại phải đạt 17 tỷ USD/tháng, nhưng đây là "bài toán" cực kỳ khó khăn.
Ngành dệt may phải giảm mục tiêu XK cả năm 2016 xuống 29 tỷ USD. Ảnh: Trần Việt
Khó khăn: Không mới
Số liệu Tổng cục Hải quan mới công bố, trong tháng 9-2016, kim ngạch XK, NK của cả nước đều thấp hơn so với tháng trước, trong đó XK ước đạt 15 tỷ USD, giảm 6,8% và NK ước đạt 15,1 tỷ USD, giảm 2,7%. Như vậy, trong 9 tháng năm 2016, kim ngạch XK ước đạt 128,21 tỷ USD, tăng 6,7%; tổng trị giá NK đạt 125,44 tỷ USD, tăng 1,3%. Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 9 ước tính thâm hụt 100 triệu USD, bằng 0,7% kim ngạch xuất khẩu song tính chung cả 9 tháng thì Việt Nam vẫn xuất siêu gần 2,77 tỷ USD.
Nhìn vào số liệu XK của 10 mặt hàng chủ lực đều có thể thấy một đặc điểm chung là giảm, nếu có tăng thì cũng tăng rất ít, kéo kim ngạch XK tháng 9 giảm gần 7%. Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 2,4 tỷ USD, giảm 17,4%, dệt may ước đạt 2,3 tỷ USD, giảm 7,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 920 triệu USD, giảm 4%; giày dép ước đạt 900 triệu USD, giảm 18,2%; thủy sản ước đạt 630 triệu USD, giảm 7,2%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 550 triệu USD, giảm 11,8%; cà phê ước tính là 120.000 tấn, giảm 21,4% và trị giá là 236 triệu USD, giảm 19,5%... Duy nhất chỉ có mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng cơ mức tăng 18%, đạt 600 triệu USD.
Những mặt hàng lâu nay được cho là động lực chính để thúc đẩy XK thì nay đều rơi vào trạng thái giảm, có những mặt hàng giảm nhiều tháng liên tiếp. Chính vì thế, mức tăng của trưởng XK của cả nước trong 9 tháng chỉ đạt 6,7%, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu 10% được Quốc hội đề ra.
Theo Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng XK giảm do yếu tố giá dầu giảm và giá các mặt hàng XK khác đều trong xu hướng giảm. Mặt khác, tăng trưởng XK của Việt Nam giảm còn là do XK các mặt hàng nông- lâm- thủy sản đã tới ngưỡng, công nghiệp chế biến không có mức tăng trưởng cao và đột biến như những năm trước do phần lớn các DN đã chạy hết công suất. Ví dụ như mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, năm 2011 mặt hàng này có mức tăng trưởng khá ấn tượng trên 20% tuy nhiên, qua từng năm mức tăng trưởng này đang giảm dần chỉ còn trên 8%.
Sau điện thoại di dộng, dệt may được cho là ngành hàng Việt Nam có lợi thế và có đóng góp lớn vào thành tích XK. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, ngành dệt may liên tục gặp khó khăn khi thiếu đơn hàng, bị cạnh tranh gay gắt từ các nước đối thủ như Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ. Mức tăng trưởng của toàn ngành chỉ 5-5,5%, thấp nhất trong 10 năm qua. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã phải hạ chỉ tiêu XK từ 31 tỷ USD xuống còn 29 tỷ USD (có thể còn khó đạt được). Nếu nhìn vào kim ngạch NK vải phục vụ ngành dệt may chỉ tăng 2,7%, nguyên phụ liệu phục vụ dệt may, da giày chỉ tăng 0,7% thì thấy rằng, các DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, trong 10 mặt hàng XK đứng top đầu thì hầu hết có công đóng góp của các DN FDI, ví dụ như điện thoại di động các loại và linh kiện, dệt may, da giày, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…
Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, sự tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng như sự tăng trưởng của XK thực chất là phụ thuộc lớn vào DN FDI, khi nhóm DN này tăng trưởng thấp cũng kéo theo XK của cả nước giảm. Trong 9 tháng qua, khu vực đầu tư trong nước ước đạt 37 tỷ USD, tăng 5%, song khu vực DN FDI chỉ đạt 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Con số này thấp hơn mục tiêu điều hành 10%, do vậy khó có thể “cứu” tốc độ tăng trưởng XK của cả nước.
Lỗi hẹn?
Nếu đặt XK 9 tháng qua trong cả quá trình mấy năm trở lại đây, có thể thấy nguyên nhân khiến cho XK của Việt Nam khó khăn không có gì mới. Vẫn là những nguyên nhân đến từ việc kinh tế thế giới chưa phục hồi, XK các mặt hàng chủ lực đã đến ngưỡng, nhóm hàng công nghiệp không còn là động lực thúc đẩy giá XK giảm, XK tăng là nhờ đóng góp của khối DN FDI. Riêng năm 2016, có thêm nguyên nhân hạn hán và hiện tượng EL Nino cũng đã tác động không nhỏ đến XK.
Tuy nhiên, về cán cân thương mại thì lại có vấn đề. Ông Phương nhận xét: “Càng khó khăn thì Việt Nam lại càng xuất siêu. Vì thế, xuất siêu không phải là thành tích và cũng không có gì đáng mừng”. Hơn nữa, việc xuất siêu hay nhập siêu của Việt Nam còn phụ thuộc vào DN FDI. Cụ thể, trong 9 tháng, khối DN FDI xuất siêu hơn 17 tỷ USD thì DN trong nước lại nhập siêu 14 tỷ USD. Vì thế, dù có xuất siêu, cơ cấu XNK cũng không thể hiện sự thay đổi từ nội tại bên trong.
Nhiều năm qua, bức tranh XNK liên tục có những thăng trầm. Vì thế, các biện pháp về thị trường, xúc tiến thương mại… liên tục được nhắc đến trong nhiều báo cáo, hội thảo. Thế nhưng, dường như những biện pháp ấy vẫn chỉ mang tính hình thức, “trên giấy”.
Trên thực tế, cơ quan chức năng đều nhận thức rõ, XK của Việt Nam đã đến ngưỡng, vấn đề mấu chốt lúc này là tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa XK. Làm thế nào để tăng? Đó là đưa khoa học công nghệ vào, áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển công nghiệp hỗ trợ… Phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn là giải pháp hàng đầu mà nhiều chuyên gia kinh tế nhắc đến bởi chúng ta phải NK quá lớn máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, hô hào vẫn cứ hô hào, công nghiệp hỗ trợ vẫn cứ… manh mún. Nếu không giải quyết vấn đề này thì XK của Việt Nam những năm tới vẫn cứ phải đối mặt với những khó khăn “muôn năm cũ”.
Với tốc độ tăng trưởng thấp như hiện nay, mục tiêu XK tăng 10% như Quốc hội đề ra khi hoàn thành. Ông Phương dự báo, XK cả năm 2016 “giỏi lắm” cũng chỉ đạt 7,5-8%.
Nguồn tin: Hải quan