Báo cáo XNK Việt Nam 2016 do Bộ Công Thương công bố vẫn ẩn chứa những tồn tại đã kéo dài nhiều năm qua và phía cơ quan quản lí cũng như DN cũng đã nhận ra. Tồn tại ấy cần được khắc phục để hướng tới phát triển XK một cách bền vững theo hướng tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm của Việt Nam, đồng thời tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh về quy mô và tốc độ. Ảnh: H.P.
Năng lực cạnh tranh chưa cải thiện
XK của Việt Nam chập chững từ con số hơn 5 tỉ USD vào năm 1995, sau 20 năm, đã vươn lên một tầm mới. XK năm 2016 đạt gần 177 tỉ USD, tăng 9% so với năm 2015 và tăng gấp 32 lần so với năm 1995. Đây là một kết quả đáng khích lệ nhận, theo đánh giá của ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu các nước NK giảm mạnh, XK các nước trong khu vực tăng trưởng thấp, thậm chí còn âm như Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ…
Theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố ngày 14/3, kim ngạch XK toàn cầu năm 2016 đạt khoảng 14.806 tỷ USD, giảm 2,6% so với năm 2015. Như vậy, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn của thị trường XK, sự sụt giảm của giá XK một số mặt hàng, sự gia tăng của các rào cản đối với hàng hoá của Việt Nam nhưng XK của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng cả về quy mô và tốc độ.
Bên cạnh tăng trưởng về quy mô, tốc độ, cơ cấu các nhóm hàng XK tiếp tục chuyển dịch phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược XK hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến 2030. Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 80,3%), tiếp đó là nhóm hàng nông sản, thủy sản (khoảng 12,6%) và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản (khoảng 2%).
Có lẽ đây là điểm sáng nhất của bức tranh XNK được Bộ Công Thương lần đầu tiên công bố và có những đánh giá sau rất nhiều năm Việt Nam tham gia vào hoạt động XNK. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấy, Báo cáo XNK Việt Nam 2016 do Bộ Công Thương công bố vẫn ẩn chứa những tồn tại đã kéo dài nhiều năm qua và phía cơ quan quản lí cũng như DN cũng đã nhận ra. Tồn tại ấy cần được khắc phục để hướng tới phát triển XK một cách bền vững theo hướng tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm của Việt Nam, đồng thời tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo đó, tỉ trọng XK sản phẩm đã qua chế biến bắt đầu gia tăng, nhưng vẫn còn tình trạng XK sản phẩm thô ở nhóm hàng khoáng sản và một số mặt hàng nông sản, hoặc XK theo hình thức gia công và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu NK. Chất lượng sản phẩm XK của một số mặt hàng nông sản còn chưa đồng đều, chủng loại còn đơn điệu. Năng lực cạnh tranh vẫn chưa được cải thiện nhiều, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao... dẫn đến sự phát triển XK chưa bền vững.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều mặt hàng nông sản, thuỷ sản XK được sản xuất bởi các hộ gia đình phân tán, quy mô nhỏ lẻ, do đó khó kiểm soát chất lượng đầu vào và đầu ra của hoạt động sản xuất. Công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản, thủy sản, khoáng sản chưa được tập trung đầu tư, phát triển theo kịp với yêu cầu của thị trường thế giới, mới tập trung phát triển theo chiều rộng, mà chưa phát triển theo chiều sâu. Mặt khác, công nghiệp hỗ trợ còn chậm phát triển nên chưa sản xuất được các sản phẩm đủ về chất lượng, quy mô để có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các DN XK.
Nội lực- yếu tố cốt lõi
Những tồn tại này sẽ còn tác động lớn đến XK của Việt Nam trong ngắn hạn, tức năm 2017 này và trong dài hạn. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) đánh giá, hiện nay, nhu cầu các nước suy giảm, nguồn cung tăng lên đặc biệt trong một số lĩnh vực như sắt thép, xi măng, dệt may, nông sản. Trong khi đó, cùng với việc hội nhập sâu rộng sự biến động liên tục của các thị trường NK, nhất là việc gia tăng rào cản kĩ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước của các nước NK sẽ là trở ngại vô cùng lớn cho các DN Việt Nam. Thực tế cho thấy, riêng năm 2016, đã có 10 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài tiến hành đối với hàng hóa XK của Việt Nam, bao gồm 5 vụ việc chống bán phá giá, 3 vụ việc lẩn tránh thuế và 2 vụ việc chống trợ cấp. Ngoài ra, một số thị trường như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… liên tiếp đe dọa bằng việc ban hành lệnh cấm NK hàng hóa Việt Nam do vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhận diện được những tồn tại cố hữu sẽ là thách thức đối với hoạt động XK trong thời gian tới, ông Hải cho rằng, giải pháp cốt lõi giúp tăng trưởng XK là có nội lực tốt để có nguồn hàng XK. Nội lực mà ông Hải nói đến là năng lực của DN. “Hiện tại, sự gia tăng quy mô XK của chúng ta tốt nhưng không thể dựa vào quy mô mà phải gia tăng về giá trị. Trong những ngành hàng XK lớn từ điện thoại, dệt may, da giày… NK nguyên phụ liệu lớn, tỉ trong gia tăng giá trị trong nước chưa lớn, kể cả ô tô cũng vậy. Do đó, DN phải đổi mới quản trị, công nghệ để theo kịp các nước khác”, ông Hải nói.
Thêm vào đó, công tác phát triển thị trường, khai thác lợi ích tối ưu từ các Hiệp định thương mại tự do chủ yếu nằm ở khâu xúc tiến thương mại. Song Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ, định hướng còn việc của DN là tự tìm hiểu, xây dựng chiến lược riêng để phát triển thương hiệu.
Chia sẻ về vấn đề này, nhiều DN cho rằng, việc xây dựng kế hoạch xúc tiến như thế nào vẫn biết là việc của DN nhưng vấn đề định hướng về xúc tiến như thế nào thì cơ quan quản lí cần có sự thống nhất. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất, tầm nhìn của công tác xúc tiến thương mại cần mang tính dài hạn, tập trung vào xúc tiến đầu tư thương mại, xây dựng các thương hiệu, tạo ra mô hình, tạo ra điểm nhấn. DN không cần Nhà nước cho tiền mà việc cần một môi trường thông thoáng, tạo điều kiện cho DN phát triển. Những nhà hoạch định chính sách hãy đặt mình vào vị trí của DN để xây dựng cơ chế, khi xây dựng cơ chế cần tham vấn các hiệp hội/ngành hàng. Nếu vẫn làm theo tư duy không tham vấn DN thì cơ chế, chính sách khi ban hành ra sẽ không phù hợp, thích ứng”, ông Giang nêu quan điểm.
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa XK quý I/2017 ước đạt 43,7 tỉ USD, tăng 12,8% so với cùng kì năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 12,3 tỉ USD, tăng 12,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 31,4 tỉ USD, tăng 13%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa XK quý I tăng 6,7% so với cùng kì năm 2016.
Trong khi đó, kim ngạch hàng hoá NK quý I đạt 45,6 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kì năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập 18,4 tỉ USD, tăng 24,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập 27,2 tỉ USD, tăng 21,1%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa NK quý I tăng 19,9% so với cùng kì năm trước.
Như vậy, nhập siêu trong quý I ước đạt 1,9 tỉ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,06 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,16 tỉ USD.
“Tăng trưởng mà chúng ta có được chủ yếu là về quy mô, lượng, đó không phải là chiến lược lâu dài”, ông Trần Thanh Hải nói.
Nguồn tin: Hải quan