Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (XK) trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm trước ở mức rất cao (tăng 18,8%), cao hơn nhiều so với tốc độ tăng theo mục tiêu đề ra cho cả năm (6 - 7%).
Thực tế này đặt ra kỳ vọng năm nay XK sẽ đạt mốc 200 tỷ USD.
Nét mới từ khu vực kinh tế trong nước
Một điểm đáng ghi nhận là tăng trưởng XK trong nửa đầu năm 2017 đạt được ở cả hai khu vực: Khu vực kinh tế trong nước (các kỳ trước tăng thấp, thậm chí còn giảm, thì kỳ này tăng khá 14,8%); Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (còn tăng cao hơn, đạt 20,4%). Tăng trưởng đạt được ở hầu hết các mặt hàng, trong đó có những mặt hàng đã phục hồi tốc độ tăng trưởng (như điện thoại các loại và linh kiện, dầu thô, cao su, sắt thép, gạo...).
Bốc xếp xuất khẩu gạo tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình Huệ
Tăng trưởng do cả đơn giá, cả về lượng hàng, trong đó tốc độ tăng trưởng lượng hàng cao gấp đôi tốc độ tăng về đơn giá. Tăng trưởng đạt ở hầu hết các địa bàn, trong đó có những địa bàn tăng trưởng với tốc độ khá cao và có những địa bàn có mức tăng khá lớn, đóng góp lớn vào mức tăng chung. Tăng trưởng đạt ở nhiều thị trường, trong đó có những thị trường tăng với tốc độ khá cao và có những thị trường có mức tăng khá lớn, đóng góp lớn vào mức tăng chung.
Chú ý tới các yếu tố tác động
Từ kết quả nửa đầu năm, nếu kim ngạch XK trong 6 tháng cuối năm duy trì được tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm (18,8%), thì cả năm 2017 sẽ đạt 209,8 tỷ USD. Tuy nhiên, điều quan trọng là các yếu tố tác động đến XK trong 6 tháng cuối năm nay. Có nhiều yếu tố, trong đó có một số yếu tố đáng lưu ý. Trước hết là đà cao lên trong 6 tháng đầu năm: Quý I chỉ đạt 44,64 tỷ USD, tăng 15,1% (trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 31,96 tỷ USD, tăng 15%), nhưng quý II đã đạt 53,08 tỷ USD, tăng 22,1%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng của quý I. Nhờ vậy, tính chung 6 tháng đã đạt 97,72 tỷ USD và tăng 18,8%.
Một yếu tố quan trọng khác là Việt Nam hiện có 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và đã có hiệu lực, 4 FTA đang đàm phán và 1 FTA đã kết thúc đàm phán nhưng chưa ký kết, tổng số 15 FTA. Các FTA này bao gồm hầu hết các đối tác thương mại chính thức của Việt Nam (như ASEAN, EU, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia...).
Theo mặt hàng, trong 45 mặt hàng chủ yếu có 27 mặt hàng nếu trong quý I bị giảm hoặc tăng thấp, thì quý II và tính chung 6 tháng đã tăng hoặc tăng cao hơn, thậm chí tăng cao gấp đôi. Và đây là những mặt hàng có kim ngạch lớn. Chuyển từ giảm sang tăng có: Gạo (và đang có khả năng ký hợp đồng lớn với Philippines); Điện thoại các loại và linh kiện; Sản phẩm mây, tre, cói và thảm… Bên cạnh đó, kim ngạch XK những tháng đầu năm đã ghi nhận mức tăng “kép”: Vừa tăng đơn giá (6 tháng tăng 5,3%), vừa tăng về lượng (6 tháng tăng khoảng 12,8%, cao hơn tốc độ tăng tổng kim ngạch XK theo mục tiêu đề ra cho cả năm là 6 - 7%).
Nếu dự báo nhập khẩu theo cách tính từ tốc độ tăng trong 6 tháng đầu năm (tăng 24,1%), thì cả năm nhập khẩu sẽ vào khoảng 216 tỷ USD. Theo đó, nhập siêu sẽ vào khoảng 6,2 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu so với XK ở dưới 3% - thấp hơn các con số tương ứng của kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội (6,6 - 6,9 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu là 3,5%). Nếu dự báo trên là đúng đồng nghĩa với việc tỷ lệ XK hàng hóa/GDP sẽ đạt khoảng 94% - cao hơn tỷ lệ 86% của năm 2016. Độ mở của nền kinh tế sẽ lớn hơn, một mặt thể hiện xu hướng mở cửa hội nhập của Việt Nam tích cực hơn. Song mặt khác cũng cần cảnh báo về những tác động rộng hơn, trực tiếp hơn, nhanh hơn mỗi sự biến động trên thị trường thế giới đối với Việt Nam.
Nguồn tin: KT&ĐT