Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ tư xuất khẩu thép Việt Nam với tỷ trọng 9,22% về lượng và 13,13% về giá. Tuy nhiên, có sự tăng trưởng đặc biệt ấn tượng xuất khẩu sang thị trường này...
Đồ hoa: Kiều Linh.
Như VnEconomy đưa tin, 11 tháng năm 2021, Việt Nam ghi nhận giá trị xuất khẩu thép chính thức đạt mốc 10 tỷ USD, lần đầu tiên mặt hàng thép lọt câu lạc bộ xuất khẩu trên 10 tỷ USD, đồng thời là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ cao nhất, đạt 129,8%. Trong khi các mặt hàng còn lại trung bình 10-20%.
ẤN TƯỢNG VỚI TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU SANG HOA KỲ
Chi tiết hơn, số liệu mới nhất từ Hiệp hội thép Việt Nam cho thấy, tháng 11/2021, nhiều mặt hàng thép xuất khẩu tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, dẫn đầu tăng trưởng xuất khẩu là mặt hàng tôn mạ với sản lượng sản xuất tháng 11 đạt 565,3 nghìn tấn, bán hàng đạt 485 nghìn tấn nhưng xuất khẩu đạt tới 326,7 nghìn tấn, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng vị trí thứ hai về tốc độ xuất khẩu là thép xây dựng, sản xuất tháng 11/2021 đạt 1,08 triệu tấn, bán hàng đạt 872,8 nghìn tấn trong đó xuất khẩu 205 nghìn tấn, tăng trưởng xuất khẩu đạt 155,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng thứ ba là mặt hàng thép cán nguội, sản xuất 392 nghìn tấn, bán hàng 174 nghìn tấn nhưng xuất khẩu tăng 93,2% so với năm ngoái đạt 45 nghìn tấn. Tiếp theo là các mặt hàng HRC với tăng trưởng xuất khẩu đạt 81,2%; ống thép xuất khẩu tăng 56,8%.
Luỹ kế 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôn mạ đạt 3 triệu tấn, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu thép xây dựng đạt 2 triệu tấn, tăng 1,6 lần; xuất khẩu HRC tăng 1,84 lần; Xuất khẩu thép cán nguội tăng 1,42 lần, xuất khẩu ống thép tăng 83%.
Về thị trường xuất khẩu, top 10 quốc gia xuất khẩu thép của Việt Nam trong tháng 10 dẫn đầu là Trung Quốc với tỷ trọng chiếm 27,28% về lượng và 18,21% về giá. Tiếp theo là EU với tỷ trọng 11,6% về lượng và 16,36% về giá. Thứ ba là ASEAN với tỷ trọng 15,6% về lượng và 14,99% về giá.
Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ tư với tỷ trọng 9,22% về lượng và 13,13% về giá. Tuy nhiên, có sự tăng trưởng đặc biệt ấn tượng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Trước đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chỉ chiếm tỷ trọng 6% vào thời điểm tháng 9. Thời điểm cuối năm 2020, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chỉ chiếm 1,9%.
Luỹ kế 10 tháng năm 2021, top 5 thị trường xuất khẩu thép của VN năm 2020 là Asean (42,6%), Trung Quốc (36,53%), EU (2,88%), Đài Loan (2,86%) và Mỹ (1,87%) thì năm 2021 cũng có sự thay đổi như ASEAN vẫn là thị trường truyền thống với tỷ trọng 28,86%, Trung Quốc 22%, EU 12%, Mỹ 7% và Đài Loan 4%.
NHIỀU CƠ HỘI MỚI CHO DOANH NGHIỆP VẪN TỪ THỊ TRƯỜNG HOA KỲ
Mặc dù Trung Quốc luôn duy trì ở vị trí số một, số hai thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam chỉ đứng sau ASEAN, tuy nhiên nhu cầu thép cho ngành xây dựng Trung Quốc được dự báo sẽ suy giảm trong giai đoạn 2022 - 2025, thời điểm các dự án xây dựng hạ tầng giảm dần và rủi ro gia tăng trong ngành bất động sản của quốc gia này.
Theo các nguồn tin, tỷ lệ sử dụng lò cao ở các thành phố Đường Sơn và Hàm Đan của Hà Bắc, hai trung tâm sản xuất thép lớn ở Trung Quốc, lần lượt ở mức dưới 65% và 70%, tính đến giữa tháng 11. Trong khi đó, lo ngại về tình trạng dư cung đã xuất hiện trong bối cảnh dự đoán nhu cầu của người dùng cuối giảm trong Quý 1/2022.
Các nguồn tin thị trường cho biết trong khi hoạt động xây dựng bất động sản có khả năng xấu đi trong Quý 1 năm 2022 do doanh số bán nhà và mua đất kém trong năm 2021, thì ngược lại, sản lượng thép có thể tăng lên.
Ở hạ nguồn, nhập khẩu thép bán thành phẩm của Trung Quốc trong tháng 10 đạt 1,362 triệu tấn, giảm 6,7% so với tháng trước, sau khi ghi nhận mức tăng 30% so với tháng trước vào tháng 9 và tăng 7,4% trong tháng 8, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố ngày 22 tháng 11. Nhập khẩu tháng 10 giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép trên toàn quốc trong tháng 9 đã thúc đẩy giá thép trong nước, điều này đã kích thích các đơn đặt hàng phôi thép ở nước ngoài cho các đợt giao hàng từ tháng 11 đến tháng 12. Điều này có thể dẫn đến sự phục hồi trở lại trong nhập khẩu trong tháng 11, tháng 12 do đơn đặt hàng tốt.
Tuy nhiên, khi sắp đến cuối năm 2021, người mua đã chuyển trọng tâm sang các cuộc thảo luận về hợp đồng trong khi một số nguồn tin ở Trung Quốc cho biết cả thương nhân và người dùng cuối đều không quan tâm đến việc dự trữ, vì thị trường thép có thể tiếp tục có xu hướng đi xuống trong bối cảnh cung vượt quá cầu trong Quý 1/2022.
Điều này ngụ ý rằng xuất khẩu thép sang thị trường Trung Quốc dự báo sẽ khó khăn trong thời gian tới với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Thực tế cho thấy, xuất khẩu thép sang Trung Quốc đạt 2,445 triệu tấn tương đương với trị giá 1,537 tỷ USD, dù tăng 27,13% về trị giá song lại giảm 16,39% về lượng so với cùng kỳ 2020.
Ngược lại, điểm sáng dần hiện lên với các doanh nghiệp xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ. Mới đây, vào ngày 15/11, gói đầu tư 1.200 tỷ USD dành cho cơ sở hạ tầng đã được Tổng thống Mỹ ký phê chuẩn, đánh dấu khoản đầu tư lớn nhất vào cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ kể từ Đạo luật Đường cao tốc Viện trợ Liên bang năm 1956.
Trong đó, các dự án có nhu cầu huy động thép bao gồm 110 tỷ USD giành cho đường các dự án giao thông trọng điểm, 66 tỷ USD giành cho đường sắt, 39 tỷ USD giành cho phương tiện công cộng và 7,5 tỷ USD giành cho xe điện.
Viện Sắt và Thép Hoa Kỳ ước tính cứ 100 tỷ USD đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng thì sẽ làm tăng nhu cầu thép trong nước lên 5 triệu tấn.
Nhu cầu thép thế giới đã tăng đáng kể từ Quý 1/2021 khi hàng loạt quốc gia đã phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng. Xu hướng này sẽ tiếp tục tiếp diễn tối thiểu đến hết nửa đầu năm 2022, qua đó kích thích các nhà sản xuất thép Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ.
Mặt khác, Chính phủ Ấn Độ cũng đã thông báo khởi động kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.350 tỷ USD vào đầu tháng 8. Gói đầu tư này sẽ tập trung thúc đẩy sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế với trọng tâm là mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông và sử dụng nhiên liệu sạch hơn. Thị trường này cũng là cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu.
Nguồn tin: vnEconomy