Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xuất khẩu phôi thép: Tiến thoái lưỡng nan

Chưa đầy 45 ngày, giá phôi thép xuất khẩu từ Việt Nam đã tăng 18%. Nguyên nhân do Nhà nước hạn chế xuất khẩu phôi thép bằng cách tăng thuế xuất khẩu từ 2 lên 20%. Vậy chính sách này tác động tới ngành thép như thế nào? Và, đâu là "kịch bản" phát triển phù hợp với ngành thép nội?

Nếu 4 tháng đầu năm, các Doanh nghiệp (DN) mới XK khoảng 8.000 tấn phôi thép, thì riêng tháng 5/2006 con số này đã là hơn 67.000 tấn, và tới tháng 6/2008 vọt lên thành... trên 305.000 tấn phôi thép. Khi nhu cầu thép trong nước giảm mạnh, thì việc XK phôi - thậm chí lãi lớn từ hoạt động này - thực sự là "cứu cánh", là phương án khả thi nhất để duy trì hoạt động của nhiều DN qua được thời điểm khó khăn vì lạm phát.

Đằng nào cũng thiệt !

Nhưng hết tháng 7/2008, sản lượng phôi thép XK đã giảm mạnh, chỉ đạt 12.000 tấn. Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng, khi khó khăn về tài chính của DN kinh doanh thép được giải quyết (trong các tháng trước đó) thì việc XK phôi giảm hẳn. Nhưng cũng có lý do khác, là ngày 28/6/2008, Bộ Tài chính đã tăng thuế suất thuế XK phôi thép từ 2% lên 10% (Quyết định 39/2008/QĐ-BTC). Sản lượng phôi thép XK sẽ tiếp tục giảm nữa, vì từ ngày 10/8/2008, thuế suất thuế XK phôi thép đã tăng tiếp từ 10% lên 20% (64/2008/QĐ-BTC). Việc tăng thuế là để chống tình trạng "sốt" giá thép tại thị trường trong nước thời gian tới, khi phôi thép bị XK quá lớn làm giảm lượng dự trữ, gây khan hiếm phôi để sản xuất thép thành phẩm. Và cũng vì thực tế, là từ nhiều năm qua, giá thép tại thị trường trong nước đã rất nhiều lần tăng cao, các cơ quan quản lý rất "vất vả" để quản lý giá thép.

"Tác dụng" của việc tăng thuế XK phôi thép thể hiện đặc biệt rõ trong tháng 8/2008. Các DN kinh doanh phôi đã gặp khó khăn cực lớn về tài chính do bị tồn đọng phôi thép. Chỉ riêng lượng phôi thép đang tồn đọng tại 4 DN gồm Vạn Lợi, Đình Vũ, Hưng Tài và Thép Việt đã là trên 45.000 tấn, giá trị trên 1.000 tỷ VND. Giá trị (phôi) tồn đọng này lại hình thành chủ yếu từ vốn vay. Thế nên, dù không bán được phôi, thì các DN vẫn phải trả bằng đủ các khoản lãi ngân hàng, vốn vay gốc. Đó là chưa tính tới các chi phí thường xuyên như lương, điện, nguyên liệu đầu vào... Đáng buồn là, khi thị trường thép trong nước chưa có dấu hiệu khởi sắc, thì việc XK lại bị chặn lại bằng hàng rào thuế. Có nghĩa là các DN ngành thép đang "thiệt đơn thiệt kép", không bán được hàng (vì tiêu thụ trong nước giảm), nhưng cũng không XK được phôi (vì thuế cao quá). Tiếc thay, thiệt hại mà DN đang gánh chịu này, lại bắt nguồn từ sự "linh hoạt" trong định hướng quản lý thị trường thép của các cơ quan chức năng. Định hướng ấy xây dựng trên cơ sở các mệnh lệnh hành chính, thay vì sử dụng các "công cụ" có tính thương mại để điều tiết thị trường.

"Quản" thế nào ?

Tại kiến nghị gần nhất, VSA và các DN đã kiến nghị Nhà nước cần giảm thuế suất thuế XK phôi thép xuống còn 10%, nhằm tạo khả năng XK phôi. Từ đó rút ngắn được thời gian quay vòng vốn cho các DN. Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi về tài chính đối với DN sản xuất phôi thép, nhằm giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho DN trong sản xuất, kinh doanh thép. Đề xuất đáng chú ý nhất do VSA và các DN đưa ra, là Chính phủ cần nghiên cứu để thành lập quỹ dự trữ phôi thép, nhằm bình ổn giá thép trong nước khi giá phôi thép thế giới có biến động. Việc nghiên cứu các điều kiện thành lập và quản lý quỹ này sẽ do Bộ Công thương thực hiện.

Về bản chất, thành lập quỹ dự trữ phôi thép là đề nghị hợp lý, có tính hiệu quả nhất để quản lý thị trường thép Việt Nam một cách lâu dài, bền vững. Vì đề nghị ấy xây dựng trên cơ sở sử dụng các "công cụ" thương mại để quản lý thị trường. Tuy nhiên, để thành lập quỹ này cần vượt qua hai "rào cản" lớn. Thứ nhất: việc tìm kiếm nguồn vốn để hình thành quỹ này trong thời điểm hiện tại là không khả thi, đặc biệt khi quy mô vốn sử dụng có thể lên tới hàng nghìn tỷ VNĐ. Mặt khác, việc thành lập quỹ bình ổn thị trường thép cũng không nhất thiết phải do Nhà nước chịu trách nhiệm.

Thứ hai: Việc hình thành và vận hành quỹ dự trữ phôi thép chỉ hiệu quả khi công tác dự báo thị trường - cơ sở để áp dụng các biện pháp quản lý - hoạt động tốt. Nhưng dường như dự báo lại là khâu... "yếu" nhất hiện nay trong quản lý thị trường thép. Dẫn chứng cụ thể đầy rẫy trong thực tế phát triển và những nghịch lý của thị trường cũng như toàn ngành thép. Chẳng hạn, là nhiều mục tiêu quan trọng về sản lượng, vốn đầu tư... tại quy hoạch phát triển ngành thép đến năm 2020 hiện đã lỗi thời trước thực tế phát triển. Gần hơn, chỉ 3 tháng trước đây, dư luận và các ngành chức năng đã dự báo về "viễn cảnh" thiếu phôi sản xuất thép trong nước khi các DN XK quá nhiều. Lý do là giá phôi thế giới cao hơn giá phôi trong nước. Do vậy, thuế XK đã liên tục được nâng lên mức 20%. Nhưng thực tế thị trường đã phát triển theo chiều ngược lại, phôi thép chào bán trên thị trường thế giới đã giảm mạnh, chỉ còn trong khoảng 900 USD/tấn. Như vậy, nếu gộp cả giá trị nộp thuế thì giá thép của các DN Việt Nam sẽ cao hơn giá chào trên thế giới. Cơ hội quay vòng vốn, tìm kiếm lợi nhuận của các DN đã bị ngăn chặn vì tính thiếu hợp lý của cơ chế. Sự thiếu hợp lý ấy bắt nguồn từ những yếu kém trong dự báo thị trường.

6 tháng đầu năm 2008, các DN đã XK 380.000 tấn phôi thép. Trong đó, có 180.000 tấn được sản xuất trong nước, 200.000 tấn còn lại là phôi NK, để rồi sau đó là... XK. Ngoài ra, các DN còn XK 230.000 tấn thép thành phẩm khác đã NK trước đó.

DDDN

ĐỌC THÊM