Đầu năm 2010, các doanh nghiệp đầu tư vào những dự án lò cao đang và sắp đi vào hoạt động lại đồng loạt gửi văn bản phản đối việc Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu quặng và các khoáng sản khác.
Chuyện cũ hóa mới
Theo Thông tư hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản do Bộ Công Thương ban hành, kể từ ngày 30-9-2008, khoáng sản khai thác được ưu tiên dành cho chế biến sâu trong nước. Nếu xin phép xuất khẩu, phải đạt tiêu chuẩn, hàm lượng chế biến cao. Tuy nhiên trước và sau thời điểm ra đời thông tư này việc xuất khẩu quặng và khoáng sản vẫn diễn ra đều đặn.
Theo tờ trình từ bộ, bộ đề nghị Chính phủ cho các nhà khai quặng được phép xuất khẩu, từ cuối năm 2008 đến giữa năm 2009, nhằm giải quyết bài toán tồn kho khi giá quặng thế giới ở thời điểm đó đã giảm theo chiều thẳng đứng, có thể gây phá sản nhiều doanh nghiệp. Trong khi đó, những cuộc thương thảo giữa các nhà khai thác với nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước ở thời điểm đó đã bất thành vì phía khai thác muốn xuất khẩu, chủ yếu qua thị trường Trung Quốc, dù giá có hạ vẫn cao hơn giá bán tại thị trường nội địa.
Theo ông Huang Tony, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Đình Vũ, chỉ tính tổng nhu cầu quặng sắt cho ba nhà sản xuất thép trong nước từ lò cao, trong đó có Đình Vũ, mỗi năm cần đến hơn 2 triệu tấn quặng các loại (tương đương số quặng và kim loại Việt Nam xuất khẩu). “Nếu tình hình xuất khẩu quặng sắt vẫn tiếp tục như trong thời gian qua thì có nguy cơ các dự án lò cao đã được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng sẽ không có nguyên liệu để hoạt động”, ông nói. |
Tuy nhiên, đến tháng 9-2009, khi giá nguyên liệu trên thế giới phục hồi, và lượng hàng tồn kho gần như đã được giải phóng (theo tin của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại thuộc Bộ Công Thương) thì xu hướng xuất khẩu quặng sắt và khoáng sản vẫn tăng tháng thứ 6 liên tiếp, đạt mức kỷ lục về lượng và kim ngạch xuất khẩu kể từ đầu năm (tăng 39,2% về lượng và tăng 67,7% về kim ngạch so với tháng trước đó).
Sự tăng trưởng xuất khẩu đột biến này xuất phát từ việc Bộ Công Thương đã cho phép xuất khẩu thêm 400.000 tấn tinh quặng sắt, 84.000 tấn tinh quặng magnetit và hàng chục tấn quặng mangan, kẽm khác.
Lý do xuất khẩu vẫn là hàng tồn kho, khoáng sản dư thừa sau khi đã cân đối chế biến sâu trong nước, hoặc trong nước chưa có cơ sở chế biến sâu hơn một số khoáng sản đã khai thác được.
Tính chung cả năm 2009, theo Tổng cục Hải quan, số lượng quặng và các khoáng sản khác đã xuất khẩu lên đến hơn 2,15 triệu tấn (thu được 134,957 triệu đô la Mỹ). Thị trường Trung Quốc là nơi tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu thô lớn nhất (1,67 triệu tấn các loại, trong đó 1,2 triệu tấn là tinh quặng sắt) với trị giá khoảng 103 triệu đô la Mỹ. Số lượng tinh quặng sắt thật sự xuất khẩu, theo nội dung văn bản kiến nghị mà các nhà sản xuất phôi thép từ lò cao mới báo cáo lên Chính phủ, chênh lệch khoảng hơn 600.000 tấn so với số liệu được dẫn từ nguồn Hải quan Trung Quốc (1,81 triệu tấn).
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, giải thích lý do chênh lệch có thể do phía Trung Quốc thống kê cả những lô hàng xuất theo đường tiểu ngạch, trốn thuế phía Việt Nam, trong khi phía Hải quan Việt Nam chỉ thống kê các hợp đồng cho phép xuất khẩu chính ngạch.
Cần một sự phân định nghiêm minh
Song, ngay từ cuối năm 2009, nhận thấy việc cho phép xuất khẩu khoáng sản thô vẫn chưa có dấu hiệu dừng và e ngại việc các nhà khai thác lợi dụng sự “tranh tối tranh sáng” trong các giấy phép xuất khẩu mà Bộ Công Thương không ghi rõ thời điểm hết hạn cho xuất, Hiệp hội Thép Việt Nam đã gửi văn bản lên Chính phủ.
Văn bản đề nghị không cho phép tiếp tục xuất khẩu như bài toán tình thế năm trước, để dành trữ lượng quặng sắt vốn không nhiều cho các dự án lò cao trong nước đủ nguyên liệu hoạt động lâu dài, hạn chế việc khai thác, mua bán khoáng sản lộn xộn, ồ ạt tại nhiều địa phương trong những năm qua, giảm bớt việc nhập siêu hàng hóa.
Cũng phải nói thêm rằng, ngay từ đầu tháng 1 năm nay, trước thời điểm dẫn đến kiến nghị của các nhà sản xuất thép trong nước một tháng, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương xem xét, giải quyết kiến nghị của Hiệp hội thép. Song đã hơn hai tháng qua, việc tổ chức một cuộc họp để đảm bảo lợi ích của giữa các nhà khai thác (bán) và nhà sản xuất trong nước (mua) vẫn chưa được tổ chức.
Trong khi đó, giá quặng sắt thế giới (loại quặng 63,5% hàm lượng sắt) ở thời điểm cuối tháng 1-2010 tại thị trường châu Á đã tăng tới 64% so với hồi tháng 9 năm trước (theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại) khiến cho các bên, vì lợi ích khác nhau, càng trở nên sốt ruột trong việc tính toán chiến lược kinh doanh, lợi nhuận cho năm nay.
Những lo lắng của các nhà sản xuất trong nước càng tăng khi họ biết rằng trong kế hoạch năm 2010, nếu được phép, Việt Nam sẽ xuất khẩu 2,681 triệu tấn quặng và khoáng sản khác (không tính dầu thô, than đá, xăng dầu) với ước trị giá thu về là 170 triệu đô la Mỹ, tăng 25,4% về số lượng và mức tăng tương đương về trị giá so với năm 2009 (theo Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương).
Để giải quyết tình trạng này, theo ông Cường, Bộ Công Thương không thể im lặng mà phải là trung gian hòa giải chủ yếu về giá, cân đối giữa bên mua - bên bán vì lợi ích liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, đảm bảo sự phát triển chung của nền sản xuất công nghiệp nội địa và có thái độ ứng xử đúng đắn với việc sử dụng tài nguyên.
Còn theo ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học - tài chính và giá cả (Bộ Tài chính), sự dung hòa này phải xuất phát từ mục đích sử dụng tài nguyên: “Nếu chỉ để phục vụ cho sản xuất trong nước, không thể áp giá xuất khẩu hay giá thế giới vào đây vì mỗi nước có chi phí sản xuất khác nhau”.
TBKTSG