Năm 2017, ngành rau củ quả Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, đạt 3,5 tỷ USD vượt qua cả lúa gạo và dầu khí. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành quả cố gắng của người nông dân, ngành nông nghiệp, các địa phương.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng đưa ra những nhận định tích cực về tương lai của ngành rau củ quả Việt Nam. Theo Thủ tướng, xuất khẩu rau củ quả năm 2017 đạt 3,5 tỷ USD, vượt qua lúa gạo và dầu khí.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng diễn đàn phát triển thị trường cho ngành rau - củ - quả là một sự xác định ưu tiên cho vấn nghề nông nghiệp nông thôn.
Theo Bộ trưởng Cường, xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam đã vượt qua con số 36 tỷ USD. Riêng ngành rau quả, lần đầu tiên đạt tăng trưởng hơn 45% so với 2016, đạt 3,4-3,5 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với giá trị lúa gạo.
Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Nông nghiệp hữu cơ cho biết Việt Nam có hơn 860.000 ha sản xuất đất nông nghiệp, chiếm 2% của thế giới. Cả nước chỉ có 145 doanh nghiệp tham gia chế biến rau củ quả nhưng doanh số xuất khẩu lại vượt qua 582 nhà máy lúa gạo.
Ông Thành cho rằng không chỉ Đồng Tháp mà cả nước cần phải tận dụng lợi thế của những người đi sau. Tức là xây dựng công nghệ hiện đại, tiên tiến và hình thành những trung tâm chế biến lớn, tránh các công nghệ lạc hậu.
Tuy nhiên, ngoài những thành quả đạt được thì ngành rau củ quả Việt Nam vẫn còn nhiều mặt hạn chế.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra, nếu so với sản lượng 317 tỷ USD quả tươi và chế biến của thế giới, Việt Nam mới chỉ chiếm 1%. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận khâu yếu nhất của Việt Nam chính là chế biến và thị trường.
“Sản xuất nhỏ lẻ, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nhiều. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đang bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Rau củ quả có thể là cơ hội để khắc phục và tạo ra dư địa mới”, ông Cường nhận định.
Ông cho biết thêm, điểm nghẽn lớn nhất trong sản xuất rau, củ, quả là chưa xây dựng được chuỗi giá trị từ thu mua, chế biến, đến phát triển thị trường để trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Phần lớn sản phẩm chưa được đầu tư chế biến sâu, bao bì nhãn mác hạn chế, khó khăn trong vận chuyển, hạ tầng giao thông đầu tư chưa hoàn chỉnh.
Nhiều đại biểu khác cũng chỉ ra rằng, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau củ quả của Việt Nam đang đối mặt với nhiều trở ngại. Nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới là chi phí logistics quá cao. Rào cản lớn hiện nay là cơ sở hạ tầng kém phát triển, mạng lưới đường bộ quá tải, làm tăng nguy cơ chậm trễ và sự cố.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra, trong khi nền kinh tế Việt Nam đứng ở tốp 50 thế giới về quy mô GDP thì giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 1% thế giới. Năng suất còn thấp. Chất lượng, hiệu quả còn nhiều vấn đề đặt ra. Thậm chí, tình trạng thị trường không ổn định còn diễn ra khá nhiều với việc “được mùa rớt giá”, “được giá mất mùa”. Công nghệ sinh học, đặc biệt là trong khâu giống còn nhiều vấn đề. Thất thoát sau thu hoạch còn rất cao, trên 30%. Trong 3,5 tỷ USD xuất khẩu thì chế biến mới chiếm 8%, như vậy giá trị gia tăng còn thấp, cần khắc phục.
Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng, đến năm 2020, giá trị xuất khẩu của ngành rau củ quả của Việt Nam sẽ đạt được gần 5 tỷ USD. Đồng thời, xác định chìa khoá của thành công là chất lượng và giá thành.
Nguồn tin: VietQ