Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xuất khẩu sắt thép đạt 2,53 tỷ USD

 Bộ Công thương cho biết, 7 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất khẩu 3,41 triệu tấn sắt thép, thu về 2,53 tỷ USD, tăng 40,4% về lượng và tăng 56,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng sắt thép xuất khẩu sang thị trường Campuchia nhiều nhất, chiếm 37% trong tổng khối lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước, xuất sang Mỹ chiếm 15,6%, Malaysia 20,2%, Indonesia 19,2%.

Mặc dù xuất khẩu có phần khởi sắc đáng kể, nhưng ngành sắt thép cũng đang đối mặt với nhiều vụ khởi kiện, điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu, khiến tình hình gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử, chỉ tính riêng từ ngày 16-7 đến 9-8, các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam liên tục bị nhiều thị trường ngoại khởi kiện liên quan đến phòng vệ thương mại và áp thuế tự vệ tạm thời. Trong đó, có 8 vụ việc liên quan đến 7 thị trường bao gồm Thái Lan, EU, Canada, Malaysia, Hoa Kỳ, Liên minh kinh tế Á - Âu (EEC) và Ấn Độ. Riêng tại thị trường Hoa Kỳ, từ ngày 27-7 đến 2-8, mặt hàng thép chống ăn mòn và thép cuộn cán nguội của Việt Nam đã liên tiếp 2 lần bị khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Điều này cho thấy các vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan tới mặt hàng thép ngày càng gia tăng. Tính đến cuối tháng 6-2018, Việt Nam đã bị kiện chống bán phá giá 78 vụ, trong đó có 37 vụ liên quan đến sắt thép, chiếm gần 1/2 các loại hàng hóa bị kiện.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thời gian gần đây, chủ nghĩa bảo hộ thương mại nổi lên rầm rộ trên thế giới, khiến ngành thép Việt Nam bị nhiều thị trường khởi xướng kiện phòng vệ thương mại. Nguyên nhân, do thép là nguyên liệu cho tất cả các ngành công nghiệp và xây dựng, đồng thời là vật liệu chiến lược nên rất nhiều quốc gia quan tâm, xem xét áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Trước diễn biến hiện nay, VSA kiến nghị Nhà nước cần có những chính sách, biện pháp kiểm soát chặt nguồn thép nhập khẩu đã sản xuất được, bên cạnh đẩy mạnh sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất thép nội địa.

Nguồn tin: Sài gòn giải phóng

ĐỌC THÊM