Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xuất khẩu thép : Không phải cứ muốn là được

 DĐDN Online ngày 19/12 có bài viết phản ánh việc tiêu thụ ở thị trường nội địa gặp khó khăn khiến nhiều DN thép đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, đường ra thế giới của thép VN cũng gặp không ít gập ghềnh.

Nếu VN đánh thuế vào sản phẩm thép xuất khẩu sẽ làm
cho xuất khẩu thép giảm, thừa thép càng thêm trầm trọng

Theo dự báo của nhiều chuyên gia cũng như các DN ngành thép, việc xuất khẩu thép trong năm 2012 sẽ gặp không ít khó khăn.

Khó vì tỉ giá và lãi suất

Trong đó, tỉ giá và lãi suất là hai thách thức lớn nhất. Ông Nguyễn An – TGĐ Cty Thép Thái Bình Dương cho biết, để có thể xuất khẩu thép hiệu quả DN phải “canh” những biến động về tỉ giá trong nước để ký hợp đồng với các đối tác. “Do phần lớn nguyên liệu chúng tôi buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài nên chỉ tính riêng việc tìm nguồn USD thanh toán cho việc nhập nguyên liệu đã làm cho DN mất một khoản tiền chênh lệch về tỉ giá quy đổi không nhỏ, chưa kể việc tỉ giá trong nước biến động liên tục” - ông An chia sẻ.

 

 

 

Mỹ và Tây Âu sẽ giảm bớt số lượng nhập khẩu khiến lượng thép của các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ dư thừa

Lãi suất trong nước cao cũng khiến các mặt hàng của DN thép mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ông Hồ Nghĩa Tín – TGĐ Cty thép Dana - Ý chia sẻ, do đặc thù kinh doanh của ngành thép là phải sử dụng vốn vay lớn, trong đó, vay từ ngân hàng chiếm tới 70 - 80%, thậm chí 100% để đầu tư sản xuất trong khi lãi suất vay vốn ngân hàng vẫn ở mức cao, nên khả năng cạnh tranh rất thấp và luôn trong tình trạng phụ thuộc, trong khi các DN thép nước ngoài khi đầu tư sản xuất thì vốn tự có của họ chiếm phần lớn, nên khả năng cạnh tranh về giá của họ trên thị trường thế giới rất mạnh. Bên cạnh đó, theo ông Tín, do những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế và chính trị thế giới, năm 2012 nhiều nước vẫn tiếp tục thực thi chính sách kinh tế có kiểm soát chặt chẽ, cắt giảm đầu tư, giảm nợ công khiến tiêu thụ sản phẩm thép giảm. Những nước nhập khẩu nhiều thép như Mỹ và Tây Âu sẽ giảm số lượng nhập khẩu khiến lượng thép của các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ thừa. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường xuất khẩu của VN bị thu hẹp.

 

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng, trong đó thép xây dựng lên 1,3 - 2%, phôi thép tăng 3% trong khi nhiều nước xuất khẩu thép đang áp dụng các biện pháp trợ giá cho sản phẩm. Cụ thể như sản phẩm thép của Trung Quốc đang được hỗ trợ bởi chế độ duy trì tỉ giá thấp. Nếu VN đánh thuế vào sản phẩm thép xuất khẩu sẽ làm cho xuất khẩu thép giảm, thừa thép càng thêm trầm trọng.

Cẩn trọng kiện chống phá giá

Trong năm 2011, thép VN liên tiếp bị gây khó dễ khi xuất sang thị trường Mỹ do bị kiện chống phá giá đối với các mặt thép ống, thép cuộn cacbon với nguyên nhân các DN thép VN được trợ cấp của nhà nước như vay ưu đãi xuất khẩu, giảm tiền thuê đất... Hiện chưa có thông tin về biên độ phá giá, tuy nhiên, theo một số luật sư thì trong trường hợp phía Mỹ thành công khi khởi kiện, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu cao cho sản phẩm ống thép VN khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Điều này sẽ làm tăng giá sản phẩm ống thép VN tại thị trường này.

Ngoài ra, đối với các DN thép VN, để tham gia vụ kiện trên, chi phí thuê luật sư để “cãi” cũng không nhỏ. Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), đã có một số Cty luật chuyên về các vụ việc chống bán phá giá đến ngỏ lời “cãi” cho các DN thép VN với mức phí từ 20.000 – 85.000 USD tùy theo trường hợp DN là tự nguyện hay bị bắt buộc điều tra. Trong trường hợp thắng kiện thì DN còn phải trả thêm cho Cty luật một khoản tiền (gọi là tiền thưởng) khoảng 50.000 USD nữa. Ông Nghi cho biết, mức giá này đã được xem là cao lại chỉ áp dụng cho từng DN chứ không áp dụng chung cho cả ngành nên đây đang là câu hỏi lớn. Cùng với đó, do giá các DN đang xuất khẩu cũng không quá cao, khoảng 900 – 1.000 USD/tấn trong khi khối lượng xuất khẩu vào Mỹ ít, tiền lãi cũng không nhiều nên không loại trừ khả năng các DN có thể bỏ qua thị trường này – không tham gia chống kiện. “Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt của các DN mà về lâu dài nó còn ảnh hưởng mạnh đến ngành thép VN nói chung”, ông Nghi nhấn mạnh.

 

Nguồn tin: DĐDN

ĐỌC THÊM