Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2017 Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường 2,8 tỷ USD, tăng 1,61% so với cùng kỳ.
Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh chủ yếu các nhóm hàng công nghiệp, nông lâm thủy sản trong đó điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng chủ lực, chiếm 35,2% tổng kim ngạch, nhưng so với cùng kỳ tốc độ xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Anh lại giảm 7,09%. Đứng thứ hai là mặt hàng dệt may, đạt 405,1 triệu USD, tăng 0,56% kế đến là giày dép tăng 7,04%, đạt kim ngạch 394,4 triệu USD.
Đặc biệt, xuất khẩu mặt hàng sắt thép sang thị trường Anh trong 7 tháng đầu năm nay lại tăng mạnh vượt trội, tuy kim ngạch chỉ đạt 26,2 triệu USD, nhưng tăng 1421,6% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu các hàng hóa xuất khẩu sang Anh thời gian này đều đạt tốc độ tăng trưởng, số hàng hóa này chiếm 64,2% và ngược lại nhóm hàng hóa với tốc độ suy giảm chiếm 35,7%.
Ngoài mặt hàng sắt thép có mức tăng mạnh, một số mặt hàng khác cũng có mức tăng trưởng khá như: máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng tăn 106,22%; kim loại thường và sản phẩm tăng 66,95% và sản phẩm từ cao su tăng 49,22%. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu hàng rau quả giảm mạnh nhất, giảm 40,82%.
Tình hình xuất khẩu sang thị trường Anh 7 tháng 2017 (ĐVT: USD)
Mặt hàng | 7 tháng 2017 | 7 tháng 2016 | So sánh (%) |
Tổng | 2.848.155.019 | 2.803.086.812 | 1,61 |
điện thoại các loại và linh kiện | 1.005.043.768 | 1.081.709.335 | -7,09 |
hàng dệt may | 405.171.431 | 402.928.019 | 0,56 |
giày dép các loại | 394.447.163 | 368.512.135 | 7,04 |
gỗ và sản phẩm gỗ | 166.017.245 | 184.330.758 | -9,94 |
Hàng thủy sản | 136.289.516 | 104.734.341 | 30,13 |
máy vi tính,sản phẩm điện tử và linh kiện | 123.172.801 | 164.655.762 | -25,19 |
hạt điều | 85.699.921 | 70.168.148 | 22,14 |
máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác | 71.816.622 | 34.825.597 | 106,22 |
sản phẩm từ chất dẻo | 55.716.830 | 51.378.409 | 8,44 |
ca phê | 48.373.951 | 53.114.852 | -8,93 |
túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù | 46.238.239 | 38.821.828 | 19,10 |
đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận | 37.881.710 | 28.045.253 | 35,07 |
sắt thép các loại | 26.292.492 | 1.727.946 | 1.421,60 |
sản phẩm từ sắt thép | 19.991.075 | 23.700.746 | -15,65 |
hạt tiêu | 18.068.126 | 18.866.458 | -4,23 |
sản phẩm gốm, sứ | 16.726.980 | 14.272.588 | 17,20 |
kim loại thường khác và sản phẩm | 16.322.964 | 9.777.097 | 66,95 |
phương tiện vận tải và phụ tùng | 14.708.634 | 16.249.682 | -9,48 |
xơ, sợi dệt các loại | 9.750.072 | 9.565.560 | 1,93 |
bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc | 9.554.933 | 10.293.567 | -7,18 |
Nguyên phụ liệu dệt may, da giày | 8.935.202 | 8.107.111 | 10,21 |
sản phẩm từ cao su | 7.205.029 | 4.828.457 | 49,22 |
sản phẩm mây, tre, cói thảm | 5.904.095 | 5.734.785 | 2,95 |
hàng rau quả | 3.696.991 | 6.247.329 | -40,82 |
cao su | 1.888.019 | 1.372.413 | 37,57 |
đá quý, kim loại quý và sản phẩm | 1.192.691 | 834.388 | 42,94 |
giấy và các sản phẩm từ giấy | 1.018.199 | 1.282.329 | -20,60 |
dây điện và dây cáp điện | 960.667 | 747.297 | 28,55 |
(tính toán theo số liệu của TCHQ)
Đối với nhóm hàng thủy sản – đây cũng là một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường Anh, đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng kim ngạch, đạt kim ngạch 136,2 triệu USD, tăng 30,13% so với cùng. Riêng xuất khẩu tôm sang thị trường Anh có tốc độ tăng trưởng tốt, theo nguồn thông tin từ VASEP, Anh là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, chiếm 4,8% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Mặc dù bất ổn chính trị, nhu cầu nhập khẩu tôm vào Anh từ Việt Nam vẫn khá tốt tính tới tháng 5/2017.
Năm 2016, Anh là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Sau khi tăng trưởng mạnh suốt cả năm 2015 và 3 quý đầu năm 2016, xuất khẩu tôm sang Anh trong quý cuối cùng của năm 2016 giảm 3,9%. Nhờ tăng trưởng tốt trong 3 quý đầu năm nên XK cả năm vẫn tăng 4,2%. Bước sang năm 2017, XK sang thị trường này tăng trưởng dương trong tháng 1 trước khi giảm trong tháng 2 và 3. Trong 2 tháng 4 và 5, XK tôm Việt Nam sang Anh phục hồi tăng mạnh lần lượt 62% và 150% so với cùng kỳ 2016. XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm nay đạt gần 59 triệu USD; tăng 34% so với 5 tháng đầu năm 2016.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh tăng trưởng tốt trong 5 tháng đầu năm nay do Anh đẩy mạnh nhập khẩu tôm nước ấm nhờ giá phải chăng để thay thế cho tôm nước lạnh. Giá tôm nước lạnh ngày càng tăng do các nước khai thác liên tục cắt giảm hạn ngạch khiến sản lượng sụt giảm.
Theo Trung tâm Thương mại Thế giới, năm 2016, giá trị nhập khẩu tôm của Anh đạt 871,4 triệu USD; giảm 4% so với năm 2015. Trong 3 nguồn cung chính (Ấn Độ, Việt Nam và Canada), nhập khẩu tôm nước ấm vào Anh từ Ấn Độ và Việt Nam vẫn tăng (lần lượt là 21% và 13%) trong khi nhập khẩu tôm nước lạnh từ Canada giảm mạnh (-51%). Bốn tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm của Anh đạt trên 233 triệu USD; giảm gần 12% so với cùng kỳ năm 2016.
Giá trị nhập khẩu tôm của Anh trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm nay có xu hướng giảm là do sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit) khiến đồng bảng Anh mất giá và hàng hóa nhập khẩu tăng giá hơn. Sự kiện này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới nhập khẩu hàng hóa của Anh trong thời gian tới.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh trong cả năm nay dự kiến vẫn tăng trưởng do những xáo trộn kinh tế và chính trị tại Anh khiến người dân tăng nhu cầu đối với tôm nước ấm có giá phải chăng.
Nguồn tin: Vinanet