Trong bối cảnh tiêu thụ thép xây dựng trong nước gặp khó khăn, các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Bán hàng trong nước khó khăn, doanh nghiệp thép xây dựng đẩy mạnh xuất khẩu
Xuất khẩu thép xây dựng trở thành điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của ngành thép Việt Nam. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) xuất khẩu thép xây dựng trong 7 tháng đầu năm tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 1,5 triệu tấn, chiếm khoảng 20% trong cơ cấu thị trường tiêu thụ sản phẩm này.
Xuất khẩu thép xây dựng tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm sút do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ (mùa mưa) cộng thêm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm. Các nhà phân phối tìm cách giảm tồn kho, chỉ mua lượng hàng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Điều này đẫn đến tồn kho tại các nhà máy vẫn ở mức cao và việc cạnh tranh để lấy thị phần các trở nên khốc liệt hơn. Do đó, các nhà máy sản xuất chuyển hướng đẩy mạnh việc xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đà giảm giá thép xây dựng có vẻ đang yếu dần nhờ các thông tin tích cực đến từ thị trường Trung Quốc khi nước này đang dần mở cửa trở lại, đồng thời chính phủ cũng có những biện pháp kích thích phát triển thị trường bất động sản.
Với tỷ lệ lạm phát tăng cao trên toàn cầu, chính sách điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng trung ương khiến các chuyên gia lo ngại nền kinh tế sẽ bị đẩy vào suy thoái, do đó nhu cầu sẽ giảm đối với tất cả các mặt hàng, không chỉ riêng thép. Do đó, việc xuất khẩu thép xây dựng tăng mạnh được xem là “điểm tựa” tâm lý cho thị trường. Hiện, thép xây dựng chiếm khoảng 41% trong cơ cấu bán hàng các sản phẩm thép của Việt Nam.
Số liệu: VSA
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định nhu cầu thép xây dựng sẽ sớm phục hồi khi giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam tăng tốc từ cuối năm 2022 sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hoàn thành giai đoạn phê duyệt thủ tục.
Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) dự báo chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng của các nước ASEAN 5 sẽ củng cố sự phục hồi của nhu cầu thép xây dựng của khu vực này, với mức tăng 4,8% trong năm 2022 và 6,1% trong năm 2023, cao hơn các mức tăng tương ứng của nhu cầu thép thế giới là 0,4% năm 2022 và 2,2% năm 2023.
Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định thị trường thép xây dựng thế giới đã xuất hiện những tín hiệu áp lực dư cung giảm bớt. Giá tại Trung Quốc đã phục hồi 10% so với mức đáy.
Trong khi đó, giá nguyên liệu thô như than cốc và quặng sắt đã giảm lần lượt 60% và 40% so với mức đỉnh trong quý 2. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận trong ngắn hạn vẫn bị ảnh hưởng bởi hàng tồn kho chi phí cao, nhưng chi phí đầu vào giảm có thể giúp ổn định tỷ suất lợi nhuận của một số công ty trong quý IV.
Giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép đang có xu hướng giảm. Nguồn: S&P Global Commodity Insights
Xuất khẩu HRC, tôn mạ, ống thép ảm đạm
Tuy nhiên, trái với thép xây dựng, hoạt động xuất khẩu thép cuộn cán nóng (HRC), tôn mạ, ống thép lại khá ảm đạm trong 7 tháng đầu năm nay.
Số liệu: VSA
Theo đó, xuất khẩu thép HRC trong 7 tháng đầu năm giảm tới 21% so với cùng kỳ năm 2021 xuống 647.173 tấn, tương đương 16% tỷ trọng bán hàng. Giá thép HRC tính đến ngày 9/8 giảm 28 USD/tấn (CFR cảng Đông Á) so với mức giao dịch đầu tháng 7.
Xuất khẩu tôn mạ kim loại và sơn phủ màu cũng giảm 18% xuống 1,4 triệu tấn. Đáng chú ý, chỉ riêng trong tháng 7, lượng xuất khẩu giảm tới 59% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ ở mức 124.200 tấn.
Xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam trong thời gian tới được dự báo khó khăn hơn, nhất là với thị trường EU khi nhu cầu của thị trường thấp và những thay đổi trong chính sách thương mại. Từ 1/7/2022 đến 30/6/2024, tôn mạ kim loại (nhóm 4A) của Việt Nam được quản lý theo hạn ngạch.
Hạn ngạch miễn thuế của nhóm “Các nước khác”, gồm Việt Nam, là 1,8 triệu tấn cho giai đoạn 1/7/2022 đến 30/6/2023 và tăng 4% trong năm tiếp theo. Nếu vượt hạn ngạch, mức thuế nhập khẩu phải nộp cho phần vượt là 25%.
Năm 2021, Việt Nam đã bán 979 nghìn tấn tôn mạ vào EU, tăng vọt so với các năm trước trong điều kiện thiếu cung tại EU kết hợp với ưu đãi miễn hạn ngạch cho Việt Nam từ 1/7/2020. Điều này là nguyên nhân EU tăng cường rào cản với tôn mạ Việt Nam.
Ngoài Ấn Độ, Hàn Quốc và Vương Quốc Anh chịu hạn ngạch riêng, Thổ Nhĩ Kỳ là đối thủ lớn nhất của Việt Nam.
VDSC cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế khoảng cách vận chuyển đến EU và cung cầu thép tại EU sẽ ổn định trong các năm tới nên tôn mạ Việt Nam khó duy trì xuất khẩu cao vào EU.
Ngoài ra, VDSC cho rằng giá HRC thời gian gần đây liên tục giảm nhưng giá tôn mạ trong nước không điều chỉnh đáng kể nhờ có lực đỡ từ xuất khẩu. Trong thời gian tới, khi xuất khẩu trở nên kém tích cực, giá tôn mạ nội địa sẽ chịu áp lực giảm lớn hơn do mất đi sự hỗ trợ từ xuất khẩu.
Nguồn tin: Tổ quốc