Sài Gòn Tiếp Thị số ra ngày 15.3 đăng bàiXuất khẩu tài nguyên thô: biết nguy vẫn không dừng, trong đó có nêu việc xuất khẩu tinh quặng sắt những năm qua đã gây ra hậu quả: đến nay nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước thiếu nguyên liệu, phải nhập khẩu. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và một số doanh nghiệp đã kiến nghị chấm dứt xuất khẩu tinh quặng sắt. Để giải quyết vấn đề này, bộ Công thương vừa tổ chức cuộc họp với sáu doanh nghiệp dùng quặng sắt trong nước, đại diện VSA và một số doanh nghiệp khai thác quặng.
Theo thứ trưởng bộ Công thương Lê Dương Quang, từ năm 2008, bộ Công thương đã ban hành thông tư hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản, căn cứ vào tiêu chí: loại quặng nào trong nước có chế biến, tiêu thụ thì dành lại, còn trong nước không tiêu thụ hoặc tiêu thụ ít thì xuất khẩu. Ông Quang cho rằng, vấn đề hạn chế xuất khẩu khoáng sản đã được công luận chú ý nhưng luật Khoáng sản năm 1996 có hạn chế nhưng không cấm xuất khẩu khoáng sản. Thông tư của bộ Công thương đã khoanh vùng 13 tỉnh không cho xuất khẩu để dành cho sản xuất trong nước, còn có một số tỉnh “rơi rớt thì không tính”. Tình trạng xuất khẩu tinh quặng sắt có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề trong các năm 2008 và 2009, các lò cao (luyện thép) đều chậm tiến độ. Các doanh nghiệp khai thác quặng sắt đúng luật thì ứ đọng sản phẩm. Bộ và VSA có trao đổi nhưng quặng sắt khai thác vẫn không tiêu thụ hết. Cho nên, bộ Công thương phải báo cáo Chính phủ, sau khi cân đối nhu cầu trong nước, Thủ tướng có cho phép xem xét xử lý từng trường hợp cụ thể. Ví dụ như năm 2009, bộ Công thương có giải quyết cho một số trường hợp xuất khẩu, nhiều nhất là công ty Việt Trung (Lào Cai) để đổi lấy than cốc. Cũng theo thứ trưởng Lê Dương Quang, năm 2010, tinh thần là không xuất khẩu quặng sắt nữa, ngoại trừ để đổi than cốc. Dự thảo luật khoáng sản sửa đổi sẽ vẫn hạn chế xuất khẩu khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản mới sơ chế.
Tuy nhiên cũng có thực tế là các doanh nghiệp luyện kim gặp khó khăn trong việc mua tinh quặng sắt khai thác trong nước do ở nhiều tỉnh không cho vận chuyển ra ngoài địa phương cho dù bộ Công thương đã có văn bản đề nghị cho vận chuyển. Đại diện công ty thép Hoà Phát cho biết, năm 2009 công ty này mua 200.000 tấn quặng ở Cao Bằng, nhưng do tình trạng “ngăn sông cấm chợ” trên nên doanh nghiệp phải có đủ các loại văn bản, giấy tờ mới vận chuyển được 100.000 tấn. Trong khi đó, ba lò cao đang xây đã bắt đầu chạy thử. Công ty này cho rằng, tinh quặng trong nước sản xuất ra bao nhiêu cũng tiêu thụ được hết nhưng các doanh nghiệp luyện thép phải nhập thêm do mất cân đối nguồn cung. Ông Phạm Chí Cường, chủ tịch VSA cho rằng, hiện nay nhu cầu tiêu thụ quặng sắt trong nước đã tăng cao nên cần chấm dứt xuất khẩu để các lò luyện thép có nguyên liệu. Ông Cường cho biết, một số lò luyện như ở Đông Triều, Quảng Ninh phải đóng cửa vì không có quặng. Theo ông, nếu doanh nghiệp mua được quặng trong nước, dù sao cũng sẽ rẻ hơn so với xuất khẩu. “Tháng 4.2010, ba đơn vị xuất khẩu quặng lớn nhất thế giới sẽ ký các hợp đồng quặng với giá cao hơn 40 – 50% so với 2008, vì vậy nếu mua trong nước thì sẽ rẻ hơn”, ông Cường nói.
Doanh nghiệp sản xuất quặng chỉ thích xuất khẩu chứ không thích bán trong nước (Theo lãnh đạo tổng công ty Khoáng sản) |
Đại diện một công ty khai thác quặng cho rằng, công ty cũng muốn bán cho doanh nghiệp trong nước nhưng có khó khăn về khoảng cách địa lý, cước phí vận tải cao… Một số doanh nghiệp trong nước có đến xem quặng nhưng lại trả giá quá thấp nên không bán được. Trong khi đó, bán cho các doanh nghiệp Trung Quốc lại rất dễ: họ sẵn sàng đặt cọc 20 – 50%, chấp nhận cả quặng xấu, hàm lượng sắt kém. Thậm chí có công ty mua hàng triệu tấn về để đó, chưa sử dụng vẫn cứ mua, thậm chí, với giá cao.
Lãnh đạo tổng công ty Khoáng sản, thuộc tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam cho biết, thực sự doanh nghiệp sản xuất quặng chỉ thích xuất khẩu chứ không thích bán trong nước. Tổng công ty này cho rằng, không nên cấm triệt để xuất khẩu quặng vì quặng có nhiều loại, rất đa dạng. Trong nước chỉ dùng loại nào đó thôi chứ không phải tất cả các loại. Tổng công ty này hiện là chủ đầu tư mỏ đồng Sin Quyền – Lào Cai, đã thu được 100.000 tấn quặng mịn nhưng hàm lượng lưu huỳnh cao, nếu không bán ra bên ngoài thì tồn kho lớn. Một số doanh nghiệp khác đồng ý rằng quặng khai thác được cần ưu tiên cho sản xuất nội địa nhưng giá cả phải theo thị trường và đề nghị hạn chế cấp phép các nhà máy luyện quặng lò cao nhưng công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu vì việc sử dụng quặng sẽ không hiệu quả, lãng phí.
Kết luận cuộc họp, thứ trưởng Lê Dương Quang cho rằng, năm 2010 việc sản xuất thép đòi hỏi lượng quặng lớn và do trong nước còn ít quặng sắt nên phải để dành, không xuất khẩu nữa. Thông tư 08/TT-BCT hướng dẫn về xuất khẩu quặng vẫn còn hiệu lực và Thủ tướng đã yêu cầu bộ Công thương sửa lại cho chặt hơn. Ông Quang đề nghị các doanh nghiệp khai thác quặng hợp tác chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp sản xuất thép, có thể bằng hình thức mua cổ phần của nhau để gắn chặt lợi ích. Ông Quang cũng yêu cầu các doanh nghiệp khai thác quặng không nên tính kế hoạch kinh doanh dựa chủ yếu vào xuất khẩu.
SGTT