Doanh nghiệp thép Việt Nam đang đối mặt với 2 rủi ro: chính sách thương mại của Mỹ và tình trạng dư thừa thép ở Trung Quốc.
Tuần trước, Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định áp mức thuế quan rất nặng lên các loại thép nhập khẩu từ Việt Nam nhưng được cho là có xuất xứ từ Trung Quốc để tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Hoa Kỳ cũng sẽ đánh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tương tự đối với thép chống gỉ và thép cuộn cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc là thép cuộn cán nóng do Trung Quốc sản xuất.
Không ngạc nhiên về lần áp thuế này của Hoa Kỳ, LS. Lê Sỹ Giảng - chuyên gia về cạnh tranh thương mại cho đây là hành động kế tiếp của "chính sách tương đối nhất quán" từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đến nay. Theo LS. Giảng, Việt Nam không phải là mục tiêu chính của Hoa Kỳ trong lần đánh thuế này. Mục tiêu chính của Hoa Kỳ là các nước khác, trong đó có Trung Quốc.
Việc đánh thuế nhôm và thép gần đây phản ánh rất rõ về chính sách thương mại của chính quyền Hoa Kỳ muốn giảm thâm hụt thương mại với 16 nước khác, trong đó đối tượng chính vẫn là Trung Quốc.
Cuối tháng 10/2017, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA) thuộc Bộ Công Thương đã cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ban hành kết luận điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cacbon (CWP) nhập khẩu từ Việt Nam. Như vậy, kết luận cuối cùng DOC đưa ra đã tăng biên độ phá giá đối với 3 doanh nghiệp có hợp tác điều tra từ mức 0,-0,38% lên 0-6,27%, trong khi vẫn giữ nguyên biên độ phá giá cáo buộc lên đến 113,8% cho các doanh nghiệp xuất khẩu khác. Mức thuế này khác xa so với kết luận sơ bộ ban hành hồi tháng 6/2016.
Mức thuế quan mới này tác động ngay lập tức đối với doanh nghiệp thép Việt Nam. Nhất là với những sản phẩm trong diện báo cáo mà Hải quan Hoa Kỳ sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp ở mức 256,44% đối với thép cuộn cán nguội (cold-rolled steel) sản xuất tại Việt Nam bằng thép chất nền (substrate) có xuất xứ từ Trung Quốc. Như vậy, sẽ tác động lớn và gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thép bởi tỷ lệ áp thuế này là rất lớn.
Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu thép lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 11,28% nhưng không đáng kể so với thị trường ASEAN, vốn chiếm hơn 67%, nên một số người vẫn cho rằng Hoa Kỳ áp thuế sẽ không tác động nhiều tới ngành thép Việt Nam.
Nhưng theo LS. Giảng, không nên nhìn theo cách này, bởi có 2 vấn đề. Thứ nhất, bây giờ tỷ lệ xuất khẩu thép của Việt Nam là nhỏ nhưng có thể không nhỏ trong tương lai. Thứ hai, bây giờ xuất khẩu thép của Việt Nam vào Mỹ là nhỏ, nhưng nếu Việt Nam có được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế chuyên ngành để được đưa ra khỏi diện áp thuế, cơ hội cho ngành thép Việt Nam là rất lớn.
Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thép vẫn phải phụ thuộc vào Chính phủ trong việc tham vấn với Chính phủ và Bộ Thương mại Mỹ để được miễn thuế. Tuy nhiên, khả năng Hoa Kỳ sẽ hủy bỏ lệnh áp thuế là rất nhỏ, thậm chí không xảy ra trong ngắn hạn. Bởi vì, việc các doanh nghiệp thép của Việt Nam chứng minh được sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ từ Trung Quốc là hết sức khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu thép vào Hoa Kỳ đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngành thép Việt Nam đang chịu nhiều áp lực từ bảo hộ thương mại đang diễn ra tại Mỹ và các thị trường khác. "Tự cứu mình" sẽ là giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp thép vẫn muốn làm ăn với thị trường Hoa Kỳ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI), biện pháp chống bán phá giá là công cụ hợp pháp được WTO cho phép thành viên sử dụng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Làm ăn trong môi trường toàn cầu, Giám đốc Trung tâm WTO khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần học cách sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, đồng thời chuẩn bị tốt nhất về nhân lực, cũng như lựa chọn đơn vị tư vấn để có kết quả tốt nhất.
Nguồn tin: Tài chính