Khi viếng thăm nước Ý trong chuyến công du châu Âu bắt đầu từ ngày mai, ông Tập Cận Bình sẽ dự lễ ký kết một biên bản ghi nhớ về việc quốc gia vùng địa trung hải này tham gia vào dự án "những con đường tơ lụa mới". Dự án khổng lồ này sẽ huy động đến 1.000 tỷ đôla để xây các hệ thống đường bộ, đường sắt và đường biển nhằm kết nối ba châu lục Âu, Á, Phi và vùng Trung Đông.
Quyết định của Ý, quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 tham gia dự án này của Trung Quốc, đã khiến các đồng minh phương Tây của Roma sửng sờ, bởi vì các quốc gia Tây Âu vẫn nghi ngờ Bắc Kinh dùng "những con đường tơ lụa mới" để mở rộng ảnh hưởng chính trị ở châu lục này.
Về phản ứng của Hoa Kỳ, một phát ngôn viên của nhóm cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông Garrett Marquis, đã cảnh báo nước Ý là không nên tạo tính chính đáng cho một dự án cơ sở hạ tầng "phù phiếm" và việc tham gia dự án này có thể gây tổn hại cho uy tín của nước Ý trên trường quốc tế.
Về phía châu Âu, vào tuần trước tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cho rằng các nước trong Liên Hiệp cần phải có sự phối hợp về quan hệ với Trung Quốc. Nhưng phát biểu với các dân biểu Quốc Hội Ý hôm qua, thủ tướng Giusepppe Conte đã bác bỏ ngay những lời chỉ trích của các đối tác Âu-Mỹ, cho rằng việc Roma tham gia dự án của Trung Quốc là "hoàn toàn phù hợp" với vị trí của nước này trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương và trong Liên Hiệp Châu Âu. Ông Conte nhấn mạnh là biên bản ghi nhớ ký với Trung Quốc sẽ không mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng nó sẽ giúp nước Ý tiếp cận một thị trường khổng lồ.
Thủ tướng Ý giải thích thêm với các dân biểu Quốc Hội Ý: "Hệ thống cơ sở hạ tầng (của dự án "những con đường tơ lụa mới") sẽ mở ra những con đường giao thương mới. Chúng ta sẽ có những sân bay mới, những hành lang thương mại mới và điều này chắc chắn sẽ có tác động lên tăng trưởng kinh tế của chúng ta. Chúng ta không thể bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào".
Nhưng phe đối lập ở Quốc Hội Ý thì chỉ trích chính phủ đã không cung cấp những chi tiết của biên bản ghi nhớ cho các dân biểu. Họ cảnh báo là văn bản này có thể sẽ là công cụ để Trung Quốc thao túng các ngành công nghiệp của Ý.
Theo lời chuyên gia Ý về Trung Quốc Giuliano Noci với hãng tin AFP, Bắc Kinh muốn đầu tư vào hai cảng Trieste và Genova, để giúp cho các công ty Trung Quốc thâm nhập thị trường châu Âu dễ dàng hơn. Vấn đề, theo chuyên gia này, là Roma phải được bảo đảm là hai cảng đó sẽ vẫn là của Ý, để tránh trường hợp của cảng Hy Lạp Pireas, bị tập đoàn vận tải hàng hải Trung Quốc Cosco mua trọn vào năm 2016.
Nhưng ngay cả các dân biểu thuộc đảng cực hữu Liên đoàn nằm trong liên minh cầm quyền của thủ tướng Conte cũng tuyên bố họ chỉ ủng hộ biên bản ghi nhớ với điều kiện là nó không làm tổn hại đến quan hệ giữa Ý với các đối tác.
Theo lời ông Francesco Sisci, một chuyên gia về Trung Quốc hiện đang làm nghiên cứu tại Bắc Kinh, dầu sao Ý cũng là thành viên của NATO và Liên Hiệp Châu Âu, lẽ ra chính phủ Ý phải tham khảo ý kiến Hoa Kỳ và các nước châu Âu khác, đồng ý với nhau về một cách tiếp cận chung, rồi hãy nói chuyện với phía Trung Quốc.
Nguồn tin: RFI