Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường quản lý mặt hàng thép sau khi có những phản ánh về việc các doanh nghiệp khai không đúng mã số hàng hóa.
Theo văn bản vừa công bố ngày 21/3, lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc lấy mẫu phân tích, giám định, kiểm tra thực tế hàng hóa và chứng nhận chất lượng thép nhập khẩu.
Các đơn vị cũng được yêu cầu giám sát chặt chẽ việc lấy mẫu để giám định, kiểm tra chuyên ngành, không để xảy ra trường hợp mẫu được gửi đi phân tích, giám định không phải là hàng hóa thực nhập.
Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan thực hiện lấy mẫu lại để phân tích, giám định đối với các lô hàng thép nhập khẩu có dấu hiệu sai lệch về kết quả giám định, kiểm tra chuyên ngành. Đại diện ngành hải quan đề nghị các đơn vị địa phương báo cáo Tổng cục Hải quan với các trường hợp trên trong đó nêu rõ dấu hiệu, lý do và đề xuất phương án thực hiện.
“Cán bộ công chức được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan sẽ chịu theo dõi, kiểm tra thường xuyên, trường hợp làm không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm,” văn bản của ngành hải quan nêu rõ.
Theo Quyết định 2968/QĐ-BCT ngày 18/7/2016, mức thuế tự vệ đối với phôi thép là 23,3% và đối với thép dài là 15,4% (đến ngày 21/3/2017). Từ 22/3/2017 đến 21/3/2018, mức thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài tương ứng là 21,3% và 13,9%.
Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng áp dụng biện pháp tự vệ với phôi thép và thép dài, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam đã lên tiếng cho rằng, lượng thép hai loại trên nhập khẩu vào Việt Nam sụt giảm mạnh trong khi các mã không chịu thuế tăng đột biến. Điều này được cho là bởi doanh nghiệp nhập khẩu đã kê khai mặt hàng thép thuộc đối tượng áp thuế tự vệ thương mại sang mã số hàng hóa khác với mức thuế chỉ khoảng 3% để tránh thuế./.
Nguồn tin: Vietnam+