Chiều 14.8, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Bình Định cùng có văn bản không đồng ý với phương án giữ lại vỏ thép không đạt chuẩn mác A trên tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Cũng trong chiều cùng ngày, Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài (Bình Định), Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đã làm việc với 5 ngư dân Bình Định có tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 về việc tính toán chênh lệch giá trị giữa thép Trung Quốc đóng vỏ tàu và một số thiết bị lắp đặt trên tàu so với thanh lý hợp đồng đóng tàu. Tại cuộc họp, các bên thống nhất để BIDV chi nhánh Phú Tài thuê đơn vị giám định độc lập tính toán các khoản chênh lệch đối với những tàu cá vỏ thép đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt phương án sửa tàu.
Theo kết quả kiểm định của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, trong số 10 mẫu thép ở phần mạn và đáy tàu của 5 tàu vỏ thép đóng tại Công ty Đại Nguyên Dương, chỉ có 1 tàu của ông Võ Tuân (xã Mỹ Thắng, H.Phù Mỹ) có 2 mẫu đều đạt chuẩn mác A, 1 tàu khác có 1 mẫu đạt mác A và 1 mẫu không đạt, 3 tàu còn lại đều có mẫu thép không đạt mác A. Tất cả các vỏ tàu này đều dùng thép Trung Quốc (trong hợp đồng thanh lý ghi là thép Hàn Quốc/Nhật Bản), một số máy móc trên tàu như máy dò ngang, máy phát điện, đèn cao áp, máy làm lạnh… được lắp đặt không đúng như trong hợp đồng.
Công ty Đại Nguyên Dương đưa ra phương án sửa tàu là không thay thế vỏ thép, mà sơn, sửa chữa rồi bàn bạc, trả lại tiền chênh lệch cho chủ tàu. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Định chỉ đồng ý phương án sửa chữa này đối với trường hợp tàu vỏ thép của ngư dân Võ Tuân, còn 4 tàu có mẫu thép không đạt chuẩn mác A thì phải tháo ra, thay lại bằng thép Hàn Quốc/Nhật Bản đạt chuẩn mác A như trong hợp đồng. Chủ của 4 tàu vỏ thép này cũng yêu cầu phải thay lại toàn bộ vỏ tàu bằng thép Hàn Quốc/Nhật Bản.
Sau đó, hai ngư dân Nguyễn Văn Lý (ở xã Mỹ Đức, H.Phù Mỹ), Trần Minh Vương (ở xã Cát Tiến, H.Phù Cát) thay đổi ý kiến, đồng ý giữ lại vỏ tàu có thép không đạt chuẩn, chỉ sơn sửa lại và công ty đóng tàu trả lại các khoản chênh lệch cho chủ tàu. Hai ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (ở xã Mỹ Đức), Mai Văn Chương (ở xã Cát Hải, H.Phù Cát) vẫn kiên quyết giữ quan điểm là công ty phải tháo toàn bộ thép Trung Quốc không đạt mác A trên tàu, thay thế bằng thép Hàn Quốc/Nhật Bản đạt chuẩn mác A, các thiết bị đã lắp đặt không đúng hợp đồng cũng phải xem xét để thay thế lại cho đúng.
Ông Phan Trọng Hổ cho biết ý kiến của lãnh đạo tỉnh Bình Định và Sở NN-PTNT tỉnh trước sau vẫn vậy, kiên quyết yêu cầu đơn vị đóng tàu phải thực hiện đúng hợp đồng đã ký với ngư dân. “Ngư dân đồng ý với Công ty Đại Nguyên Dương là chuyện của họ. Tiền đóng tàu là ngư dân vay của BIDV chứ đâu phải của cá nhân họ, nên vấn đề này còn liên quan đến BIDV nữa. Tuần sau, UBND tỉnh Bình Định sẽ mời các đơn vị có liên quan và chủ tàu đến làm việc để giải quyết vụ việc”, ông Hổ nói.
Nguồn tin: Thanh niên