Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ tất cả các nước và vùng lãnh thổ, ngoại trừ các nước có lượng thép xuất khẩu vào Việt Nam không quá 3% tổng lượng thép nhập khẩu của Việt Nam đã chính thức có hiệu lực.
Theo đó, mức thuế tự vệ tạm thời (dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung) đối với phôi thép là 23,3% và đối với thép dài là 14,2%, và được áp dụng trong khoảng thời gian không quá 200 ngày, tức đến hết ngày 7/10.
Theo Bộ Công thương, cơ sở để áp thuế tự vệ tạm thời này là lượng thép nhập khẩu tăng mạnh trong giai đoạn điều tra, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất thép trong nước, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục thu thập chứng cứ, tài liệu để đánh giá tổng thể vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Vẫn còn những phản ứng trái chiều do bất đồng quan điểm trong việc nâng thuế đối với thép nguyên liệu nhập khẩu khi cho rằng, nếu áp thuế tự vệ đối với phôi thép sẽ đồng nghĩa với việc tăng thuế suất thuế nhập khẩu phôi thép vào Việt Nam. Điều này dẫn tới giá phôi thép trong nước sẽ tăng theo, từ đó sẽ phải phụ thuộc vào một số nhà cung ứng phôi thép trong nước, gây tác động bất lợi liên đới cho một số ngành có liên quan như xây dựng, bất động sản… và suy cho cùng, người chịu thiệt nhất lại là người tiêu dùng.
Thậm chí, trước đó, một số DN thép gồm Pomina, NatsteelVina, Thép Úc SSE, Thép Việt Đức và CTCP B.C.H cùng có kiến nghị gửi Thủ tưởng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét đình chỉ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép nhập khẩu, đồng thời không chấp nhận áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời là 45% với phôi thép nhập khẩu, nhằm tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, độc chiếm thị trường.
Trong khi đó, theo quan điểm của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lợi ích ngành thép phải được ưu tiên hàng đầu. Do đó, các chính sách nhập khẩu và sản xuất nguyên liệu cần đảm bảo mục tiêu hướng tới phát triển ngành đồng bộ, khép kín và bền vững, thay vì chỉ “dậm chân” ở khâu gia công.
Hiện nay phôi thép trong nước sản xuất và tiêu thụ chỉ đạt hơn 6 triệu tấn, bằng 50% công suất thiết kế. Trong khi đó, như năm 2015 Việt Nam nhập khẩu tới 1,7 triệu tấn. Vì vậy VSA kêu gọi các DN phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý, đẩy mạnh sản xuất phôi thép và thép dài, cung cấp đủ nhu cầu trong nước với chất lượng và giá cả cạnh tranh phù hợp với biến động thị trường giá thép thế giới.
Tự vệ là biện pháp hữu hiệu, đúng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhằm để ngăn chặn việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm thép vào Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để từng bước đầu tư, xây dựng và phát triển ngành thép đồng bộ và khép kín, một ngành thép vững mạnh thực thụ chứ không phải ngành thép đi gia công. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp căn cơ cho ngành thép, thậm chí là minh chứng cho được sự yếu kém của ngành thép.
DN trong nước lâu nay quen với việc nhà nước bảo hộ. Nhưng với việc hội nhập sâu rộng như hiện nay Nhà nước không thể đi bảo hộ mãi được. Và lưu ý rằng, thời gian bảo hộ cũng chỉ có giới hạn.
Nguồn tin: DĐDN