Thị trường hàng hóa Việt Nam năm 2017 sẽ được hỗ trợ bởi xu hướng phục hồi của giá cả trên thị trường hàng hóa thế giới, nhưng vẫn bị chi phối bởi một số nhân tố bất ổn.
Dịch bệnh, khí hậu, giá cả hàng hóa thế giới sẽ chi phối thị trường hàng hóa Việt Nam
Trong báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 Chính phủ vừa trình Quốc hội, thị trường hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới dự báo sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố.
Trong đó, đáng chú ý là dịch bệnh trên vật nuôi (cúm gia cầm) đang có nguy cơ bùng phát, gây ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả các mặt hàng thực phẩm.
Thời tiết, khí hậu vẫn là yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và nguồn cung nông sản trên thị trường.
Ngoài ra, triển vọng tăng giá của nhóm hàng nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới cũng sẽ ảnh hưởng tới giá xăng bán lẻ trong nước.
Thị trường hàng hóa Việt Nam năm 2017 sẽ chịu chi phối bởi yếu tố nào? Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Thị trường hàng hóa thế giới dự báo khả quan hơn
Nhận đinh về thị trường thế giới, Chính phủ cho hay thị trường tài chính, tiền tệ và giá một số loại hàng hóa có xu hướng tăng. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá các hàng hoá thiết yếu hiện đang ở mức cao hơn.
Trong đó, đồng USD được dự báo sẽ tăng trở lại trong năm nay khi ngân hàng trung ương Mỹ có lộ trình tăng lãi suất rõ ràng.
Giá dầu thế giới duy trì đà hồi phục từ cuối năm 2016, và có thể tăng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị ở các khu vực như Syria, bán đảo Triều Tiên... Tương tự, giá vàng thế giới cũng sẽ giữ được đà tăng nhờ nhu cầu đầu tư vào các tài sản an toàn tăng.
Tuy nhiên, yếu tố tích cực của kinh tế thế giới chỉ là trong ngắn hạn. Về dài hạn, xu thế phát triển của kinh tế thế giới vẫn chứa đựng nhiều rủi ro, bất định và phức tạp.
Theo đó, Chính phủ cho rằng thị trường hàng hoá sẽ chịu tác động của một số nhân tố bất ổn như, chính sách điều hành kinh tế khó dự đoán của Tổng thống Mỹ, biến động của đồng USD, biến động chính trị tại Hàn Quốc, tiến trình đàm phán Brexit của Anh và EU, bầu cử tổng thống Pháp,...
Giá cả hàng hóa tăng, xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm của Việt Nam tăng mạnh
Chính phủ cho rằng tình hình kinh tế thế giới từ đầu năm 2017 đến nay nhìn chung có nhiều tín hiệu tích cực, đặc là khả năng phục hồi về tăng trưởng, thương mại và giá cả các mặt hàng cơ bản. Giá cả hàng hóa thế giới dự báo phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước xuất khẩu gia tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu so với các năm trước.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2017 của Việt Nam ước đạt 62,09 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tăng mạnh chủ yếu nhờ giá của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng so với cùng kỳ năm 2016, như giá than đá tăng 81%, giá cao su tăng 69,7%, giá cà phê tăng 33,4%, giá hạt điều tăng 23%, giá sắt thép tăng 21,9%,…
Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm nay đạt gần 64 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nhóm hàng nhập khẩu chủ lực vẫn là các mặt hàng thuộc nhóm nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cơ bản phục vụ sản xuất và nhóm máy móc thiết bị cho mở rộng sản xuất, với mức tăng trưởng 26,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu tăng do giá nhập khẩu của hầu hết mặt hàng đều tăng, đặc biệt là nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất nhóm máy móc thiết bị cho mở rộng sản xuất. Ngoài ra, việc nhập khẩu hàng hóa tăng cũng nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.
Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu lớn hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khiến nhập siêu 4 tháng đầu năm tăng lên 1,91 tỷ USD, chiếm 3,1% kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng nhận định rằng, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rủi ro ngày càng bị chênh lệnh năng suất so với các nền kinh tế khác trong khu vực nếu không theo kịp được đà đổi mới khoa học, công nghệ.
Nguồn tin: NDH